Tiếp tục chuyện tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp
Cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN: Con đường không thể không đi
5610 ktck argibank
Agribank là một trong những đơn vị phải hoàn thành cổ phần hóa năm 2020

Theo đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô TTCK phải tăng cả về chất và lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Đồng thời quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam năm 2020 phải đạt mốc 100% GDP.

Trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình của Chính phủ năm nay xuất hiện hàng loạt tên tuổi doanh nghiệp lớn. Cụ thể, trong năm 2020, có 93 doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa theo lộ trình, trong đó có rất nhiều cái tên tiềm lực mạnh cũng như quy mô vốn hoá rất lớn được thị trường chờ chờ đợi.

Song đã hơn nửa năm trôi qua vẫn chưa có doanh nghiệp nào trong danh sách trên được chuyển đổi sở hữu. Với tiến độ ì ạch, một số chuyên gia nhận định, nhiệm vụ hoàn tất cổ phần hoá tất cả 93 doanh nghiệp trong danh sách là “bất khả thi”, nhưng không phải là không có những cái tên triển vọng.

Là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, lộ trình cổ phần hoá của Agribank thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Nửa đầu năm nay, khoảng trống nhân sự vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, cùng cơ cấu lãnh đạo cấp cao, đã được kiện toàn. Cộng với sự chuẩn bị trong năm 2019, kế hoạch cổ phần hóa tại nhà băng này đã tiến gần hơn tới hiện thực.

Hiện tại, theo lộ trình, đến hết năm 2020, Agibank sẽ tiến hành cổ phần hóa và 35% cổ phần được chào bán cho nhà đầu tư. Năm 2019, tổng tài sản Agribank đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,34 triệu tỷ đồng.

Được kỳ vọng không kém là hai ông trùm ngành viễn thông là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone. VNPT được đánh giá là TOP 3 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam (Brand Finance), từng được định giá 1,4 tỷ USD vào năm 2018. Năm 2019, tổng doanh thu của VNPT đạt 167.983 tỷ đồng. Năm 2020, VNPT đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 171.300 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu hợp nhất Công ty mẹ - VNPT đạt 45.018 tỷ đồng (giảm nhẹ so với năm 2019). Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ - VNPT mục tiêu đạt 5.040 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 5,2% so với năm 2019. Tổng vốn đầu tư dự kiến ở mức 11.000 tỷ đồng.

Trước đó, VNPT từng dự kiến sẽ IPO vào cuối năm 2019 với 35% cổ phần sẽ được chào bán cho nhà đầu tư, thế nhưng kế hoạch này đã bị hoãn lại và VNPT vẫn chưa công bố thời gian IPO cụ thể.

Trong khi đó, MobiFone, đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, là một trong nhà cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 30% thị phần trên thị trường. Theo lộ trình ban đầu, Mobifone sẽ phải hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2018.

Tuy nhiên do còn vướng mắc trong việc mua bán - sáp nhập doanh nghiệp, cộng với sai phạm trong việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG nên thời gian IPO của Mobifone đã phải tạm hoãn.

Năm 2019, MobiFone ước tính doanh thu đạt 35.321 tỷ đồng, lãi 4.842 tỷ đồng. Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, ban lãnh đạo MobiFone cho hay năm nay sẽ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 34.483 tỷ đồng, lãi ròng đạt mức 5.092 tỷ đồng. Cổ phần hoá MobiFone là một trong những thương vụ được mong chờ nhất trong vài năm trở lại đây. Ngoài ra, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam… là những cái tên quy mô lớn đáng chú ý khác.

Hết năm 2020 phải cổ phần hóa theo kế hoạch 92 doanh nghiệp Nhà nước

Bộ Tài chính cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, có 06 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 84 tỷ đồng, thu về 241 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 318 tỷ đồng, thu về 551 tỷ đồng. Bộ đã nhận được báo cáo cổ phần hóa của 03 đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Hậu Giang.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016 đến tháng 4/2020, đã có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.748 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).

Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 gồm: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.

Theo Bộ Tài chính, nhìn chung tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong những tháng đầu năm 2020 chậm, nguyên nhân do: Diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 khiến cho sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội đình trệ đã ảnh hưởng tới công tác triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp; cần nhiều thời gian để triển khai thực hiện một số nội dung về phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị phần vốn Nhà nước để thoái vốn...

Mặt khác, nguyên nhân chủ quan của sự chậm trễ này là do khâu tổ chức thực hiện và quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp; kỷ luật chấp hành chỉ đạo của những người có trách nhiệm chưa nghiêm; còn tư tưởng e ngại, sợ mất quyền lợi nên cố tình trì hoãn, kéo dài… và vướng mắc trong vấn đề xử lý đất đai mà doanh nghiệp đang quản lý sử dụng.

Bộ Tài chính đề nghị người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Các Bộ, ngành tập trung trình các cấp có thẩm quyền các đề án, chính sách với các nội dung chính gồm các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực được phân công; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp Nhà nước; thực hiện công tác giám sát, xử lý vướng mắc tài chính của các doanh nghiệp; xây dựng báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN.

Tại TP.HCM, số doanh nghiệp nằm trong danh sách cổ phần cũng có nhiều tên tuổi lớn như Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng công ty Bến Thành (BenthanhGroup), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)...

Thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp (bài 3): 10 giải pháp trọng tâm

KTCKVN - Theo Bộ Tài chính, để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp như kế hoạch đã đề ra, ...

Thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp (bài 2): Cẩn trọng "người ngoài"

KTCKVN - Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang làm trì trệ nhiều hoạt động kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh hình thức ...

Thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp (bài 1): Chuyển động ì ạch

KTCKVN - Trong gần 5 tháng đầu năm, không có doanh nghiệp nào được cổ phần hóa, trong khi mới chỉ có báo cáo cổ ...