Giá nguyên liệu tăng cao

Đại diện EVN cho biết, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao.

Vì sao EVN lỗ hơn 31.000 tỷ đồng?
Công nhân làm việc trên hệ thống truyền tải điện. Ảnh VNE

Về giá than, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine, giá than đã vượt xa mức tăng của dầu thô, khí tự nhiên và các loại năng lượng truyền thống khác. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá than ngày 19.9 ghi nhận ở mức 439 USD/tấn, tăng 147,32% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Ngoài giá vốn, các loại chi phí khác của EVN thay đổi không đáng kể so với cùng kỳ như chi phí tài chính tăng 2,4%, chi phí quản lý giảm 2,3% và chi phí bán hàng giảm 4,8%.

Tuy nhiên, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao", đại diện EVN lý giải.

Cơn sốt giá nhiên liệu thế giới đã ảnh hưởng tới giá thành điện trong nước, khi mỗi năm Việt Nam nhập 35-36 triệu tấn than cho sản xuất điện. Còn giá khí được tính neo theo giá dầu thế giới, nên khi giá dầu tăng 2,2 lần so với 2020 và 1,3 lần so với năm ngoái, đã làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy điện khí trong nước.

Theo số liệu của EVN, giá mua điện bình quân từ điện than tăng 408 đồng một kWh so với 2021; riêng với nhà máy dùng than nhập khẩu, mức tăng này là 2.062 đồng một kWh. Giá mua điện khí cũng tăng hơn 183 đồng mỗi kWh so với năm ngoái.

Năm nay, sản lượng điện mua từ điện than (than trong nước, than nhập khẩu) khoảng 84 triệu kWh, và điện khí gần 29 triệu kWh. Vì thế, giá nhiên liệu than, khí tăng vọt đã khiến chi phí mua điện của EVN tăng gần 40.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), giá công suất năm 2022 (giá để tính toán khoản thanh toán công suất cho các đơn vị phát điện trên thị trường) tăng 252% so với 2021 và tăng gần 3 lần so với 2020. Còn giá trần trên thị trường điện cũng đạt kỷ lục 1.612 đồng, tăng 7% so với 2021 và 19% so với 2019.

Hai loại giá này đã tác động làm giá thanh toán trên thị trường cho mỗi kWh tăng gần 20% so với năm ngoái và 36% so với 2019.

"Phần lớn giá chào các nhà máy trên thị trường đều cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ 2019, là 1.864,44 đồng một kWh. Có tổ máy giá lên tới 3.000-4.000 đồng", ông Ninh cho biết.

Kiến nghị sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

Kế hoạch năm 2023, EVN cho biết sẽ tập trung kế hoạch đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động....

Theo đó, EVN kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, phê duyệt quy hoạch điện 8, sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Sửa đổi quy định liên quan để tạo thuận lợi trong huy động nguồn vốn, giải quyết vướng mắc trong thực hiện triển khai dự án điện.

Tập đoàn cũng kiến nghị các bộ ngành, cơ quan liên quan xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp của EVN giai đoạn 2021-2025; tháo gỡ chính sách để tiếp cận vốn cho các dự án.

Về giá điện, EVN kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định để giảm bớt khó khăn, đảm bảo cân bằng tài chính, áp dụng cơ chế thị trường với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi. Tăng cường khai thác than trong nước đáp ứng cho nhu cầu sản xuất.