Doanh thu tăng nhưng lỗ nặng

Báo cáo tổng kết công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp- đơn vị quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước - cho biết, năm 2022, tổng doanh thu của nhóm này ước đạt hơn 1,12 triệu tỷ đồng. Kết quả này tăng 33% so với năm 2021 và vượt 14% kế hoạch năm. Trong đó, nếu không tính EVN, tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty, ước hơn 39.200 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và vượt 73% kế hoạch.

Ngược lại, EVN lỗ đột biến 31.360 tỷ đồng. Mức lỗ này, theo Ủy ban Quản lý vốn, "do yếu tố khách quan" khi EVN không được tăng giá điện.

Thông tin lỗ đột biến cũng được lãnh đạo EVN nêu tại hội nghị tổng kết 2022, triển khai nhiệm vụ 2023 sáng nay. Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, nhìn nhận "2022 là năm cực kỳ khó khăn với ngành điện".

EVN lỗ hơn 31.000 tỷ đồng
Chi phí tăng cao khiến EVN lỗ nặng

Tập đoàn này ghi nhận doanh thu khoảng 460.700 tỷ đồng, tăng trên 4,3% so với 2021, trong đó công ty mẹ EVN ghi nhận thu 385.300 tỷ. Tuy nhiên, giá nhiên liệu thế giới và trong nước tăng đột biến khiến chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao, khoảng 53.200 tỷ đồng. Yếu tố này đã "ăn mòn" lợi nhuận khiến doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ lên tới 31.360 tỷ đồng.

Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho biết giá thanh toán trên thị trường điện tăng gần 20% so với năm ngoái và 36% so với cách đây 3 năm.

"Phần lớn giá chào các nhà máy trên thị trường đều cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng 1.864,44 đồng một kWh, có tổ máy giá lên tới 3.000 - 4.000 đồng", ông Ninh cho biết.

Chưa kể, khí cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện khí chỉ đáp ứng 70% năng lực của các tổ máy, nên để đảm bảo cung ứng điện, nhiều thời điểm Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia phải huy động thêm các nhà máy điện chạy dầu DO giá cao.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho hay, ngay từ đầu năm, đơn vị đã lường trước những khó khăn của năm nay, nhưng thực tế đã vượt xa dự tính. Những khó khăn đó không chỉ ở cung ứng điện mà còn xuất phát từ những yếu tố khách quan như giá mua điện tăng cao. So với đơn giá trong kế hoạch EVN giao thì giá mua tăng 685 đồng/kWh với chi phí bỏ ra tăng thêm là 3.700 tỷ đồng.

Tại miền Bắc, điện cho sản xuất công nghiệp chiếm 65% nên sự sụt giảm điện thương phẩm cho thấy khó khăn sản xuất công nghiệp đang hiện hữu.

Thực tế này khiến EVNNPC dự kiến lỗ 4.700 tỷ đồng, kéo theo giảm tối đa chi phí sửa chữa lớn tới 40%; tiền lương, thu nhập của cán bộ nhân viên cũng bị cắt giảm, chỉ bằng 62% năm 2021... Mức lỗ này khiến tổng công ty khó thu xếp vốn cho các khoản vay tiếp theo cho đầu tư xây dựng, nguy cơ ngân hàng dừng giải ngân các khoản vay do báo cáo tài chính xấu...

Ngoài ra, theo lãnh đạo EVN miền Bắc, báo cáo tài chính lỗ sẽ khiến đơn vị này không thể thu xếp tài chính cho các dự án năm nay và 5 năm tiếp theo. “Nếu đưa báo cáo tài chính này ra, chắc chắn các ngân hàng yêu cầu dừng giải ngân và trả lại cho họ”, EVN chia sẻ.

EVN lỗ hơn 31.000 tỷ đồng
Trụ sở EVN

Kiến nghị tăng giá điện

Nhìn nhận số lỗ dự kiến 31.360 tỷ đồng của EVN, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá “đây là vấn đề rất đáng lưu tâm”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh lưu ý EVN phải rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.

“Việc chủ động đưa ra các giải pháp nội tại và tối ưu hoá về công tác quản trị nội bộ của tập đoàn luôn phải được quan tâm, ưu tiên hàng đầu vì đây là điều cốt lõi đóng vai trò chủ đạo, then chốt để giúp EVN tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Kế hoạch năm 2023, EVN cho biết sẽ tập trung kế hoạch đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động....

Theo đó, EVN kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, phê duyệt quy hoạch điện 8, sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Sửa đổi quy định liên quan để tạo thuận lợi trong huy động nguồn vốn, giải quyết vướng mắc trong thực hiện triển khai dự án điện.

Tập đoàn cũng kiến nghị các bộ ngành, cơ quan liên quan xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp của EVN giai đoạn 2021-2025; tháo gỡ chính sách để tiếp cận vốn cho các dự án.

Về giá điện, EVN kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định để giảm bớt khó khăn, đảm bảo cân bằng tài chính, áp dụng cơ chế thị trường với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi. Tăng cường khai thác than trong nước đáp ứng cho nhu cầu sản xuất.