Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 (4/1), giá cổ phiếu HPG tăng 2,1% lên mức đóng cửa 42.300 đồng/cp. Tạm tính theo giá này, PENM III có thể sẽ thu về hơn 2.800 tỷ đồng nếu thoái vốn thành công.

Từ 27/11 đến 25/12/2020, PENM III đã đăng ký bán toàn bộ 76,5 triệu cổ phiếu HPG nhưng thực tế chỉ bán được hơn 10 triệu đơn vị vì "giá thị trường không đạt kỳ vọng". Thực tế trong giai đoạn trên, giá HPG liên tục tăng mạnh và lập đỉnh mới, lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 40.000 đồng/cp.

Được biết, ông Hans Christian Jacobsen – Giám đốc điều hành của PENM III đồng thời là Thành viên HĐQT của Tập đoàn Hoà Phát.

0315-hoa-phat
Hình minh họa

Trong thời gian từ 11/12 đến 30/12/2020, ông Nguyễn Ngọc Quang – Thành viên HĐQT đã bán 1 triệu cổ phiếu HPG qua phương thức khớp lệnh trên sàn. Trước giao dịch, ông Quang sở hữu 63,73 triệu đơn vị HPG, tương đương 1,92% vốn điều lệ Tập đoàn Hòa Phát. Sau giao dịch, ông còn giữ 1,89% vốn.

Cũng liên quan đến chuyển nhượng cổ phiếu HPG, vào ngày 30/11 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn là ông Trần Đình Long đã mua 24 triệu cổ phiếu HPG theo phương thức thoả thuận từ Phó Chủ tịch HĐQT Doãn Gia Cường.

Trong phiên giao dịch ngày 30/11 có khoảng 24,3 triệu cổ phiếu HPG được giao dịch thoả thuận với tổng giá trị 821 tỷ đồng, giá bình quân tương đương với mức giá sàn 33.780 đồng/cp. Như vậy, giao dịch giữa Chủ tịch Trần Đình Long và Phó Chủ tịch Doãn Gia Cường có giá trị khoảng 810 tỷ đồng.

Sau giao dịch, ông Long nắm giữ 864 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 26,08% vốn điều lệ Hoà Phát.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Doãn Gia Cường sau giao dịch đã giảm sở hữu từ 65,53 triệu đơn vị (tương đương 1,98%) còn 41,53 triệu đơn vị (1,25%).

Về kết quả kinh doanh, quý 3/2020, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 24.900 tỷ đồng, tăng 62,7%; lợi nhuận sau thuế 3.785 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 65.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 8.845 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 98% kế hoạch năm. Và đây cũng là lần đầu tiên, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2020 đã vượt mức thực hiện năm 2019, cao nhất từ trước tới nay.

Ở diễn biến khác, Tập đoàn Hòa Phát vừa quyết định thành lập hai công ty con là CTCP Gang thép Hòa Phát và CTCP Ống thép và Tôn mạ màu Hòa Phát.

Cụ thể, doanh nghiệp sắp được thành lập là CTCP Gang thép Hòa Phát sẽ quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh thép xây dựng. Công ty có vốn điều lệ 39.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 99,998%. Trụ sở chính đặt tại số 66 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông Nguyễn Việt Thắng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn sẽ quản lý phần vốn góp của Hòa Phát tại công ty gang thép này.

Doanh nghiệp còn lại là CTCP Ống thép và Tôn mạ màu Hòa Phát sẽ quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh ống thép và tôn mạ màu. Công ty có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, do Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 99,99%.

Công ty có trụ sở chính tại số 39 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn sẽ chịu trách nhiệm quản lý phần vốn góp của Hòa Phát trong công ty con này.

Loạt lãnh đạo chủ chốt Điện Gia Lai đua nhau thoái vốn

CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) vừa thông báo về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ là 6 lãnh đạo của công ty. ...

Cổ đông lớn PV Power Engineering muốn thoái toàn bộ vốn sở hữu

Bà Trần Thị Thu Hiền - cổ đông lớn của CTCP Tư vấn Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power Engineering (HNX - ...

Cổ phiếu CC1 biến động trồi sụt sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn

Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Bộ Xây dựng đã hoàn tất bán ra toàn bộ hơn 44,58 triệu cổ phiếu ...