“Các nguồn vốn này sẽ giúp VPBank thúc đẩy các chương trình tín dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh, giao thông và xây dựng nhà ở xã hội, cho phép các doanh nghiệp này tiếp cận với nguồn vốn chi phí tương đối thấp để phát triển”, CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết.

VPBank huy động thành công thêm 500 triệu USD từ thị trường quốc tế
VPBank là một trong số những ngân hàng Top đầu Việt Nam hiện nay.

Ngoài nguồn vốn nói trên, thông qua quan hệ đối tác trong Sáng kiến Tài chính Doanh nhân Nữ (We-Fi), ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ VPBank để giúp nâng cao năng lực tiếp cận tài chính cho nhóm khách hàng nữ. Đặc biệt, khoản tài trợ 750.000 USD dựa trên kết quả hoạt động thực tế sẽ được We-Fi tài trợ cho VPBank để mở rộng dịch vụ cho nhóm khách hàng nữ và thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đầu tiên ở Việt Nam về tài chính toàn diện cho các SME do phụ nữ làm chủ.

“Các ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc hoạch định đường hướng phát triển bền vững và toàn diện cho Việt Nam. Sự hỗ trợ của ADB dành cho VPBank sẽ giúp đảm bảo rằng các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn sẽ có thể đầu tư vào tăng trưởng trong tương lai và chia sẻ sự thịnh vượng của đất nước”, Tổng Giám đốc ADB phụ trách khu vực Đông Nam Á Ramesh Subramaniam nhận định.

Hiện nay, VPBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công một khung tài chính xã hội phù hợp với Nguyên tắc Trái phiếu Xã hội (Social Bond Principles) và Nguyên tắc Cho vay Xã hội (Social Loan Principles) quốc tế và đã được Morningstar Sustainalytics - công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu quản trị xã hội môi trường xem xét và đánh giá, tạo tiền đề cho ngân hàng phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với định hướng phát triển bền vững của ngân hàng trong tương lai.

Khoản vay quốc tế nói trên là nguồn vốn được VPBank huy động thành công thứ 2 trong năm 2022 sau khi ngân hàng được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD vào tháng 4 vừa qua từ các định chế tài chính lớn của châu Á như SMBC, Maybank, Ngân hàng Cathay United Bank, Ngân hàng CTBC và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.