Ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay

Mới đây, Vietcombank đã công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 1%/năm đối với các khoản vay bằng VND cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu, với thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12.

Kỳ vọng làn sóng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp
Doanh nghiệp kỳ vọng ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Ngày 28/11, HDBank cũng công bố giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỷ đồng, thời gian triển khai từ ngày 1/11 đến hết 31/12. Theo tính toán, sẽ có hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất với số tiền lên tới 120 tỷ đồng.

Các ngân hàng cho biết, khoản vay được áp dụng cho các lĩnh vực: xuất nhập khẩu, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ... Đồng thời các ngân hàng khẳng định, chính sách giảm lãi suất không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

Động thái giảm lãi suất cho vay này đang được thị trường kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển, lãi suất cho vay hết quý 1/2023 sẽ hạ nhiệt, còn khoảng 10-14%. Đồng thời, vị chuyên gia này nhận định, quý 4/2022 sẽ ổn định được hệ thống ngân hàng thương mại, quý 1/2023 ổn định hệ thống trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Với nền tảng đó, đến quý 2/2023 hệ thống tài chính, thương mại, dịch vụ sẽ ổn định, dòng vốn sẽ bình thường trở lại với doanh nghiệp sản xuất.

Trước đó, báo cáo diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong tháng 10/2022, NHNN thông tin, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,4-9,9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên là khoảng 4,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định NHNN (5,5%/năm).

Trong khi đó, lãi suất cho vay USD bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 3,2-4,5%/năm đối với ngắn hạn; 5,2-5,7%/năm đối với trung và dài hạn.

Áp lực từ chênh lệch huy động - tín dụng

Mặc dù vậy, từ cuối tháng 9 đến nay, lãi suất huy động vẫn liên tục trong xu hướng tăng. Tính đến hiện tại, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã được đẩy lên vùng 8,5-9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, nhìn chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 350-400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Đà tăng này của lãi suất huy động đã làm dấy lên nhiều lo ngại về sự đi lên tương ứng của lãi suất cho vay, giúp các ngân hàng đảm bảo biên lợi nhuận. Theo phản ánh của doanh nghiệp, nếu không được hưởng ưu đãi, họ đang phải vay với lãi suất trung bình từ 12-14%/năm, thậm chí có thể hơn, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn do vướng hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng.

Báo cáo của SSI cho rằng, áp lực đối với lãi suất thị trường 1 vẫn còn khá cao khi số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng và huy động từ NHNN vẫn chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể trong chênh lệch huy động – tín dụng của nền kinh tế.

Theo dữ liệu mới nhất về tình hình tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng của NHNN, cập nhật đến cuối tháng 9/2022, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,8 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 3,21% so với cuối năm 2021.

Trong đó, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức hơn 5,78 triệu tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 2,43% so với cuối năm 2021. Mức tăng này vẫn chưa bù lại được mức sụt giảm hơn 170.000 tỷ đồng của 2 tháng trước đó. Trong khi đó, quy mô tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng ở mức gần 5,64 triệu tỷ đồng, tăng 6,38% so với cuối năm 2021.

Nhưng cũng theo NHNN, tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 11,5% so với cuối năm 2021.

Tuy vậy, theo SSI, đà tăng của lãi suất cho vay phần nào chậm hơn, hay thậm chí còn giảm nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của NHNN về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế.