Tâm lý thị trường nghiêng hẳn về tiêu cực trước áp lực bán khiến cho hàng loạt các cổ phiếu giảm mạnh. Thanh khoản tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn xấp xỉ mức trung bình 20 tuần gần nhất cho thấy áp lực bán vẫn khá mạnh. Nhưng điểm đáng chú ý là trong phiên giao dịch cuối tuần, thanh khoản bất ngờ tăng vọt và với cây nến rút chân nhẹ, hàm ý lực cầu bắt đáy bắt đầu xuất hiện.

Kết thúc tuần giao dịch từ 03 đến 07/10, VN-Index giảm 96,2 điểm (tương ứng mức giảm 8,5%) xuống 1.035,91 điểm, HNX-Index giảm 24,16 điểm (tương ứng mức giảm 9,7%) xuống 226,09 điểm, UPCoM-Index cũng giảm 4,98 điểm (tương ứng 5,86%) xuống 79,98 điểm.

Hình minh họa
Hình minh họa

Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 12,8% so với tuần trước đó lên 68.277 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 18,1% lên 2.841 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 17,6% so với tuần trước đó xuống 5.360 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 6,3% xuống 311 triệu cổ phiếu.

Với mức giảm điểm mạnh trên cả hai sàn trong tuần qua thì toàn bộ các nhóm ngành đều sụt giảm về vốn hóa. Cụ thể, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu có diễn biến tiêu cực nhất với mức giảm 15,8%, nguyên nhân chủ yếu là sự sụt giảm mạnh của ngành thép như cổ phiếu HPG (giảm 17%), HSG (giảm 20,3%), NKG (giảm 17,5%)... và sự suy yếu mạnh của ngành con hóa chất với các cổ phiếu như DGC (giảm 13,3%), DPM (giảm 12,5%), DCM (giảm 16,9%)...

Tiếp đến, nhóm ngân hàng giảm 11,8% và là nguyên nhân chính kéo thị trường giảm mạnh, tiêu biểu như VCB (giảm 8,9%), CTG (giảm 14%), BID (giảm 13,9%), TCB (giảm 16,2%)… duy nhất cổ phiếu EIB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam đi ngược dòng với mức tăng tới 8,77%.

Trong khi đó, ngành dịch vụ tiêu dùng cũng lao dốc với mức giảm 9% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự sụt giảm mạnh của các cổ phiếu thuộc ngành con bán lẻ là MWG (giảm 15,6%), FRT (giảm 13,4%), DGW (giảm 12,4%)...

Cũng có diễn biến tiêu cực, ngành công nghệ thông tin giảm 8,2% vốn hóa, chủ yếu do cổ phiếu FPT bốc hơi tới 8,1%, CMG giảm mạnh 13,3%.

Ngoài ra, các ngành còn lại đều giảm mạnh như hàng tiêu dùng (giảm 7,6%), tiện ích cộng đồng (giảm 7,4%), công nghiệp (giảm 7,5%), tài chính (giảm 4,3%), dược phẩm và y tế (giảm 3,3%), dầu khí (giảm 2,3%).

Ngoài diễn biến ảm đạm về chỉ số, khối ngoại như thường lệ vẫn gây áp lực lớn lên thị trường khi tiếp tục bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 615,53 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, HPG của Tập đoàn Hòa Phát là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 33 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là STB và DXG lần lượt bị bán 20,2 triệu cổ phiếu và 7,7 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, FUEVFVND là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 7,6 triệu chứng chỉ quỹ.

Theo nhận định, chỉ số VN-Index quay trở lại vùng giá 1.000-1.030 điểm sau gần 03 năm, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid. Xu hướng giá và tâm lý của thị trường hiện tại đang khá tương đồng với tuần giảm điểm mạnh tháng 03/2020. Vì vậy có thể hy vọng thị trường sẽ dần phân hóa, áp lực bán giải chấp, rút vốn sẽ giảm dần trong 01đến 2 tuần tới tại vùng hỗ trợ đỉnh giá cao nhất năm 2019 là 1.000-1.030 điểm.

Trong khi đó, phiên giảm điểm cuối tuần qua khiến VN-Index tiếp tục đi tìm đáy mới với hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo cho thấy tâm lý thị trường đang rất tiêu cực. Theo nhận định từ các công ty chứng khoán, rủi ro ngắn hạn hiện vẫn rất lớn và cơ hội tạo đáy chưa xuất hiện. Mặc dù, định giá nhiều cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn nhưng những lo ngại về tương lai đang khiến thị trường giảm để chiết khấu cho các rủi ro. Trong các giai đoạn tâm lý thị trường quá tiêu cực thì các mốc hỗ trợ luôn tỏ ra kém hiệu quả. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thêm tới khi thị trường hình thành được vùng cân bằng trở lại và xuất hiện những dấu hiệu tạo đáy vững chắc hơn để giải ngân.

Trên thị trường thế giới, chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc sau khi báo cáo việc làm tháng 9 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống đáy 53 năm. Nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát mà không cần bận tâm tới thị trường việc làm.

Trong tuần qua, Phố Wall giảm ba phiên liên tiếp sau khi tăng mạnh vào hai phiên đầu tuần. Theo đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 630 điểm, tương đương 2,1%, và đóng cửa ở gần 29.297 điểm. S&P 500 mất 2,8% và kết phiên ở mức 3.640 điểm.

Cùng trên đà sụt giảm, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất tới 3,8% xuống còn 10.652 điểm, tuy nhiên đây vẫn còn cao hơn 1% so với đáy hồi tháng 6 năm nay. Trong khi Dow Jones và S&P 500 đã phá đáy hồi tháng 6 vào phiên 30/9 mới đây.

Tại châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần (7/10), kéo dài đợt trượt giá cổ phiếu trên toàn cầu sang ngày thứ ba liên tiếp, khi các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro suy thoái giữa bối cảnh các dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mạnh mẽ và việc có thêm những dấu hiệu mới về sự sụt giảm sâu của lĩnh vực bán dẫn.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,18%.

Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 195,19 điểm (0,71%), xuống 27.116,11 điểm.

Trong khi đó, tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi đã dứt chuỗi ba ngày đi lên liên tiếp, do lo ngại về xu hướng tăng lãi suất của Fed chưa có dấu hiệu dừng lại và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá cổ phiếu của Samsung Electronics giảm 0,18% xuống 56.200 won/cổ phiếu, sau khi công ty báo cáo về lợi nhuận kinh doanh sơ bộ quý III/2022 với mức giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường Trung Quốc, trong khi sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải tiếp tục nghỉ lễ Quốc khánh thì sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vẫn giao dịch với mức đóng cửa giảm 1,51% , tương đương 272,10 điểm, xuống 17.740,05 điểm, do xu hướng bán tháo chốt lời sau đà tăng vào đầu tuần. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu công nghệ mất tới 3,22%.

Cùng chung xu hướng toàn cầu, các thị trường chứng khoán như Sydney của Australia, Mumbai của Ấn Độ, Bangkok của Thái Lan, Wellington của Niu Zealand và Jakarta của Indonesia đều sụt giảm đáng kể.