Tâm lý khối nội yếu khi rủi ro vẫn ở mức cao

Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, Công ty Chứng khoán Yuanta đánh giá số liệu vĩ mô tháng 10 cho thấy, nền kinh tế trong nước đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất, tỷ giá cao. Tuy nhiên, điểm tích cực là xuất siêu ở mức cao, lũy kế 10 tháng năm 2022 đạt 9,4 tỷ USD, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thêm cho tỷ giá khi dự trữ ngoại hối đã giảm khoảng 21 tỷ USD trong thời gian qua; lạm phát tiếp tục tăng nhẹ và áp lực lên việc tăng giá cả đã bắt đầu giảm; áp lực tăng tỷ giá thời gian qua khá lớn và có dấu hiệu hạ nhiệt khi đồng USD trên thế giới giảm dần. Một yếu tố tích cực khác là gần đây việc đốc thúc hoạt động đầu tư công trở nên khả quan hơn.

Theo các chuyên gia của Yuanta, đồ thị tháng của chỉ số VN-Index giảm về gần vùng quá bán cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi, nhưng rủi ro dài hạn vẫn ở mức cao cho thấy đà giảm dài hạn có thể sẽ tiếp tục mở rộng với mức hỗ trợ gần nhất là vùng 860 – 900 điểm. Mức định giá P/E của chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức dưới 10 lần, đây là mức định giá rất thấp nhưng bối cảnh dòng tiền vẫn đang suy yếu theo xu hướng giảm cho nên thị trường có thể sẽ chưa thể tìm thấy điểm cân bằng trong giai đoạn này. Do đó, nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp 30-35% danh mục.

Dòng tiền từ khối ngoại liên tục đổ vào thị trường trong thời gian gần đây.
Dòng tiền từ khối ngoại liên tục đổ vào thị trường trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, về cơ bản thì các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục đi vào vùng quá bán khi vẫn có nhiều cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn dù thị trường được hỗ trợ bởi hoạt động bắt đáy từ khối ngoại và tác động tích cực từ thị trường thế giới. Do đó, nhà đầu tư có thể tập trung vào những nhóm cổ phiếu theo xu thế dòng tiền, ưu tiên thanh khoản cao, kết quả kinh doanh quý III tích cực, dòng tiền tốt và vay nợ ít hoặc định giá đã chiết khấu sâu như ngân hàng, dầu khí, thực phẩm, bán lẻ, điện,...

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT đánh giá, tâm lý khối nội vẫn tương đối yếu trong bối cảnh một số doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn thanh khoản ngắn hạn. Do đó, sức ép bán ra từ khối nội vẫn tương đối lớn, đặc biệt là trước và sau phiên đáo hạn phái sinh ngày thứ 5 (17/11).

Tuy nhiên, một điểm tích cực là dòng vốn ngoại mua ròng trở lại trong những phiên giao dịch gần đây. Do đó, nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh, tránh bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá ở thời điểm hiện tại. Hiện P/E của VN-Index đã về dưới 10 lần, thấp nhất kể từ năm 2012, Trong khi đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2022 và dự báo quý IV của các doanh nghiệp niêm yết lại không quá tệ như những diễn biến trên thị trường chứng khoán gần đây. Có thể thấy, nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối ổn định trong khi đa phần doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tích cực.

Cách nào cơ cấu danh mục hiệu quả?

Theo ông Đinh Quang Hinh, thị trường sẽ phân hóa lớn và có những dòng cổ phiếu tạo đáy trước. Nhà đầu tư cần thật sự bình tĩnh để soi xét và đánh giá khách quan về danh mục đầu tư của mình. Cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, dòng tiền kinh doanh ổn định và triển vọng kinh doanh tích cực trong những quý tới thì hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ chờ thị trường phục hồi. Đây cũng là thời điểm rất phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn. Với tầm nhìn dài hạn, những nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu cơ bản tốt có thể mang về mức lợi nhuận rất hấp dẫn trong vòng 1-2 năm tới.

Còn ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco cho rằng, vùng điểm số nhà đầu tư có thể lưu ý trong nhịp điều chỉnh này là ở vùng 900 điểm – đây đều là vùng điểm số đã ghi nhận nhiều lần kiểm định thành công trước đó. Nhà đầu tư cũng nên lưu ý, việc VN-Index điều chỉnh nhanh trong thời gian ngắn đã đưa mặt bằng định giá của nhiều doanh nghiệp xuống mức khá thấp – và đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư có thể tham gia mua tích luỹ với tỷ trọng nhỏ trong danh mục, ưu tiên các cổ phiếu trong nhóm VN30.

Trong khi đó, ông Cao Minh Hoàng – Giám đốc Đầu tư IPAAM cho rằng, nhà đầu tư đang có dấu hiệu lo sợ bởi các tất cả các kênh đầu tư đang biến động theo chiều hướng đi xuống. Do vậy, cần cân đối vấn đề rủi ro và cơ hội trong một đất nước có tiềm năng tăng trưởng GDP 10 năm tới thuộc nhóm hấp dẫn nhất của toàn cầu và khu vực. Việc tham gia vào thị trường vốn là mong muốn không chỉ của nhà đầu tư trong nước mà còn là mong muốn của những nhà đầu tư lớn trên toàn cầu. Những dòng vốn ngoại của những quỹ đầu tư quốc tế đều đang tìm kiếm cơ hội để có thể gia nhập thị trường vốn Việt Nam. Trên góc nhìn dài hạn, ông Hoàng có niềm tin vào sự phát triển của thị trường vốn nước ta trong thời gian tới. Đưa ra một lời khuyên cho nhà đầu tư, ông Hoàng khuyến nghị nhà đầu tư tập trung nghiên cứu để có thể giải ngân phần tiền mặt trong thời gian tới vào kênh cổ phiếu hoặc trái phiếu sẽ có một mức sinh lời rất tốt trong thời gian tới.