CTCP Tập đoàn Danh Khôi (NRC) tuần qua đã công bố nghị quyết về việc mua lại trước hạn lô trái phiếu mã NRCH2123002. Lô trái phiếu này chính là lô trái phiếu mà NRC vừa phát hành trước đó với tổng giá trị 200 tỷ đồng, đáo hạn vào 29/12/2023. Theo đại diện NRC, doanh nghiệp này dự kiến sẽ mua lại trước hạn 20% giá trị lô trái phiếu đang lưu hành, tức khoảng 40 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tiếp tục mua lại trái phiếu trước hạn
Doanh nghiệp tiếp tục mua lại trái phiếu trước hạn

Không chỉ NRC, trong tháng 12/2022, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng đã dồn dập công bố mua lại trước hạn một phần hoặc toàn bộ các lô trái phiếu đáo hạn vào năm 2023. Theo đó, lần lượt các tập đoàn địa ốc, như: Novaland, Hưng Thịnh Land, Phát Đạt, CenGroup, Gelex… đã công bố mua lại chính các lô trái phiếu vừa phát hành trong quý III/2022 với giá trị mua lại từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng.

Theo thống kê của VNDirect, trong quý IV/2022 toàn thị trường có khoảng 20.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ phải đáo hạn. Đến năm 2023 sẽ có hơn 107.000 tỷ đồng trái phiếu phải đáo hạn (tăng 56% so với cùng kỳ). Và đến năm 2024 cũng sẽ có hơn 112.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản phải đáo hạn. Do lượng trái phiếu đáo hạn khá lớn nên trong năm 2023 áp lực trả nợ sẽ đè nặng lên các doanh nghiệp phát hành. Và để giảm bớt áp lực này các doanh nghiệp có hai lựa chọn, hoặc là đàm phán với các trái chủ để kéo dài thời hạn thanh toán; hoặc cắt giảm đầu tư, tinh giảm bộ máy để có nguồn tiền mua lại các lô trái phiếu sắp đến thời gian đáo hạn. Thống kê của VNDirect cho thấy, đến giữa tháng 12/2022 các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn gần 164.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.

Các chuyên gia tại VCBS nhận định, việc mua lại trước hạn các lô trái phiếu là động thái bình thường của thị trường do các doanh nghiệp chủ động cân đối nguồn lực và danh mục đầu tư. Tuy nhiên, việc nhiều tập đoàn công bố mua lại trước hạn các lô trái phiếu cũng khiến thị trường trái phiếu có sự xáo trộn. Thực tế, việc bắt buộc doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn khi vi phạm các phương án phát hành, trong đó có phương án sử dụng vốn hoặc vi phạm pháp luật cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tăng cường mua lại trái phiếu trước hạn nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi các quy định mới.

Từ góc độ thị trường, ông Phạm Văn Thịnh, Chuyên viên tư vấn chứng khoán tại TP.HCM nhìn nhận rằng việc mua lại trái phiếu trước hạn có thể xem là cách để doanh nghiệp bất động sản củng cố, lấy lại niềm tin từ các nhà đầu tư. Đồng thời, việc làm này cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí lãi vay, giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc mua lại trái phiếu trước hạn cũng khiến các doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro bất lợi về dòng tiền trong bối cảnh các kênh huy động vốn đều đang gặp khó khăn.

Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế (CIB) cho rằng, trong bối cảnh chờ Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi các quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, với kỳ vọng cho phép các lô trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn và được chuyển đổi thành khoản vay; hoặc tài sản khác để thanh toán gốc và lãi, các doanh nghiệp cũng có thể thương lượng với trái chủ để chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Cách làm này hiện nay đã được NovaGroup thực hiện thành công. Tuy nhiên, để làm được việc này, theo ông Danh, bản thân doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về tình hình hoạt động và kế hoạch kinh doanh đồng thời tuân thủ quy chuẩn về phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ.