Trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy giảm, thanh khoản mất hút, không có gì lạ khi lãi quý III/2022 của các công ty chứng khoán giảm. Thống kê từ VnDirect cho thấy lãi ròng các công ty chứng khoán trong quý III/2022 đã sụt giảm mạnh 68,1% so với cùng kỳ năm ngoái, do thanh khoản thị trường chứng khoán quý III/2022 giảm 40,9% so với quý cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ hai liên tiếp lợi nhuận sau thuế các công ty chứng khoán giảm so với cùng kỳ.

12 công ty chứng khoán trong top lợi nhuận tốt nhất quý III/2022 đều báo lãi ròng giảm. Đứng ở vị trí quán quân là CTCP Chứng khoán TCBS với lãi sau thuế quý III/2022 gần 731 tỷ đồng, giảm hơn 27%. Trong quý III năm ngoái, TCBS là đơn vị duy nhất trong ngành báo lãi trước thuế nghìn tỷ khi đạt 1.002 tỷ đồng. CTCP Chứng khoán SSI xếp ở vị trí thứ hai với lợi nhuận quý III/2022 đạt 382 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều ông lớn chứng khoán khác cũng báo lãi quý III giảm, như HSC giảm 48%; Mirae Asset giảm 76,6%; Chứng khoán Bản Việt giảm 61,6%...

Dù vậy, cũng có không ít công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh tích cực với lãi ròng quý III/2022 tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, nhiều đơn vị còn công bố con số lãi tăng trưởng bằng lần.

nhieu cong ty chung khoan nguoc dong bao lai
Ảnh minh họa

Điểm chung của nhóm có lợi nhuận tăng trưởng ở top đầu là hầu hết mảng kinh doanh đóng góp chính cho doanh thu/lợi nhuận của các doanh nghiệp này không đến từ hoạt động cho vay margin, mà chủ yếu là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Điều này cũng phần nào lý giải việc các công ty này có thể ghi nhận tăng trưởng lãi ròng bất chấp thị trường chứng khoán suy giảm.

Trường hợp đầu tiên là CTCP Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Quý III/2022 ghi nhận lãi ròng VPBank Securities đạt 176,5 tỷ đồng, tăng gấp 548 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả kinh doanh rất tích cực của VPBank Securities sau khi về tay chủ mới là Ngân hàng

VPBank hồi đầu năm nay. Đóng góp chính cho kết quả ấn tượng kể trên là nhờ kết quả kinh doanh quý III/2022 của VPBank Securities phát sinh hơn 168,3 tỷ đồng lãi từ FVTPL. Không những thế, các trái phiếu niêm yết trong danh mục tài sản FVTPL có thể coi là nguồn lợi nhuận khổng lồ trong tương lai với VPBank Securities. Theo đó, tại ngày 30/9/2022, công ty đang nắm giữ hơn 5.332 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, với giá gốc là 176,6 tỷ đồng.

Không đạt mức tăng trưởng tốt như VPBank Securities, song một số đơn vị vẫn gây ấn tượng khi lãi ròng quý III/2022 tăng trưởng ba chữ số, gồm DSC (+207,14%), HDS (+146,79%), HBS (+141,5%), TPS (+138,18%).

Trong đó HDBank Securities tăng trưởng lãi ròng quý III/2022 chủ yếu nhờ lãi các tài sản tài chính FVTPL 248,6 tỷ đồng (tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Cũng giống VPBank Securities, danh mục HDBank Securities tại ngày 30/9/2022 chủ yếu là trái phiếu chưa niêm yết, cụ thể có tổng giá trị 688,7 tỷ đồng, chiếm gần 96% cơ cấu danh mục FVTPL. Con số này tăng gần gấp đôi so với thời điểm 30/6/2022, giá trị lô tài sản trái phiếu chưa niêm yết là 374,2 tỷ đồng.

Tương tự, lợi nhuận DSC quý III/2022 tăng trưởng hơn 207% đạt 8,6 tỷ đồng, được hỗ trợ chủ yếu từ lãi tài sản tài chính FVTPL và HTM. Tuy nhiên, khác với VPBank Securities và HDBank Securities, danh mục của DSC tính tại ngày 30/9/2022 chủ yếu là tiền gửi; gồm cổ phiếu niêm yết, chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi ngân hàng. Ngoài ra, quý III/2022 ghi nhận DSC phát sinh trong kỳ doanh thu cho vay ký quỹ chứng khoán 5,1 tỷ đồng. Một trường hợp khác là HBS với lãi quý III/2022 tăng 141,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào doanh thu lãi tiền gửi không kỳ hạn.

Khác với top 4 tăng trưởng lãi ròng, lợi nhuận TPS quý III/2022 (+138%) có sự tăng trưởng đồng đều nhờ vào cổ tức, tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính FVTPL 151,5 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần); lãi từ các khoản cho vay và phải thu 40,1 tỷ đồng (tăng gấp 1,6 lần); và doanh thu nghiệp vụ lưu ký chứng khoán 167 tỷ đồng (tăng gấp hơn 2,6 lần).

Các đơn vị còn lại đều ghi nhận kết quả kinh doanh tăng tốt, như KS Securities (+86,73%), DNSE (+73,53%), Haseco (+54,08%), Agriseco (+32,46%), BVSC (+15,85%), KB Việt Nam (13,31%).

Ngoại trừ Haseco ghi nhận lãi nhờ các khoản mục giống với top đầu tăng trưởng lợi nhuận, thì trường hợp KS Securities có chút khác biệt khi đóng góp lợi nhuận chủ yếu nhờ vào doanh thu nghiệp vụ ngân hàng đầu tư 172,71 tỷ đồng (tăng 130%). Thêm vào đó, KS Securities cùng với VPS, Agriseco, BVSC, KB Việt Nam còn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận nhờ việc tiết giảm chi phí tốt.

Dù nhiều công ty chứng khoán báo lãi tăng cao trong quý III/2022, song xét chung trong 9 tháng năm 2022, lợi nhuận các đơn vị này vẫn đang ở trạng thái âm như Haseco (lỗ 50,8 tỷ đồng), hoặc lãi suy giảm như TPS giảm 9,44%, DNSE giảm12,46%, BVSC giảm 44,79%.

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán còn biến động khó lường cho đến hết năm 2022. Chứng khoán ABS cho rằng thị trường trong ngắn hạn vẫn tiếp tục giao dịch tích lũy trong vùng 960 - 1.070 điểm do tác động tiêu cực từ chứng khoán thế giới khi tình hình lạm phát vẫn chưa khả quan; và dòng tiền bị rút ra để chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn hơn. Với tính chất vận động giá cổ phiếu thường gắn liền với biến động thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu chứng khoán được dự báo sẽ khó thu hút dòng tiền trong ngắn hạn.