PV: Giá cổ phiếu khi đã xuống đến một mức thấp nhất định thì các cơ hội đầu tư giá trị cũng dần xuất hiện. Vậy khi nhìn các yếu tố tài chính cơ bản của các doanh niêm yết, nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng thường quan tâm đến những yếu tố gì và theo những góc nhìn như thế nào, thưa ông?

Doanh nghiệp nên làm gì để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài?
Ông Ren Varma

Ông Ren Varma: Với thị trường chứng khoán của các nước đang phát triển như Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài thường có quan tâm về minh bạch thông tin, mà cụ thể là mức độ tin cậy và kịp thời của thông tin tài chính của các doanh nghiệp.

Đây cũng là một trong các lý do cơ bản làm gia tăng rủi ro của các thị trường chứng khoán cận biên và làm cho các doanh nghiệp khó tiếp cận đến nguồn vốn nước ngoài, nhất là từ các nhà đầu tư tổ chức lớn, những người thường có chiến lược đầu tư lâu dài. Một số trường hợp, nhà đầu tư rất khó để tiếp cận các thông tin quan trọng, kịp thời và có tính tin cậy cao từ doanh nghiệp. Bởi vậy, các nhà đầu tư mà nhất là nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đánh giá cơ hội đầu tư trên thị trường bằng cách tiếp cận từ trên xuống, dựa vào tình hình kinh tế vĩ mô, chứ không thể tiếp cận từ dưới lên, dựa nhiều vào thông tin tài chính của bản thân doanh nghiệp.

Tín hiệu tốt là thị trường chứng khoán Việt Nam đã mở cửa hơn 20 năm, đã có nhiều cải cách về quy định pháp luật và cải thiện rất nhiều các hạn chế sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam với tốc độ phát triển kinh tế hàng đầu thế giới, tỷ trọng đầu tư của nước ngoài hiện đang chiếm chưa đến 10% thị trường chứng khoán sẽ là tiềm năng có nhà đầu tư nước ngoài. Đó là lý do giải thích tại sao các doanh nghiệp đang chào đón các chuyên gia tài chính được công nhận và có văn bằng nghề nghiệp quốc tế…, những người sẽ đóng góp kiến thức và kinh nghiệm trong các yêu cầu báo cáo để giúp thu hút vốn đầu tư ngoại.

Các chuyên gia tài chính sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và chất lượng thông tin tài chính mà các công ty báo cáo cho thị trường đầu tư. Các kỹ năng này giúp doanh nghiệp tăng trưởng và hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp riêng lẻ, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, giảm chi phí vốn đầu tư và cải thiện nền kinh tế Việt Nam.

PV: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng tài chính của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay? Đâu là những thế mạnh và đâu là những điểm yếu?

Ông Ren Varma: Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển rất nhanh sau khi hội nhập với thế giới, trong một vài năm trở lại đây, việc gia tăng xuất khẩu là một cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Thời gian qua đã có những doanh nghiệp niêm yết Việt Nam phát triển với tốc độ rất nhanh, trở thành những tập đoàn đa ngành nghề và áp dụng những quy trình công nghệ hàng đầu, đáp ứng những chuẩn mực tiên tiến của thế giới.

Doanh nghiệp nên làm gì để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài?
Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và hội nhập với thế giới

Tuy nhiên, việc phát triển nóng và thiếu chiến lược lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều rủi ro, nhất là những yếu kém về mặt tài chính, thường dựa nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn, dễ bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường, dẫn đến mất khả năng chi trả. Những rủi ro này của doanh nghiệp có thể tránh hoặc giảm thiểu bằng cánh sử dụng kiến thức và chuyên môn của các chuyên gia tài chính có năng lực, giúp đảm bảo các doanh nghiệp đang phát triển có cơ cấu vốn phù hợp trong dài hạn và giúp doanh nghiệp tiếp cận được các giải pháp vốn lưu động ngắn hạn, giúp tránh được khủng hoảng tiền mặt.

PV: Doanh nghiệp nên làm gì để cải thiện chất lượng tài chính, tăng sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài?

Ông Ren Varma: Việc cần làm đầu tiên mà các công ty nên thực hiện là đảm bảo rằng họ có chuyên gia tài chính đủ năng lực, hiểu rõ doanh nghiệp và những rủi ro doanh nghiệp phải đối mặt, cũng như hiểu rõ mục tiêu và nhu cầu các nhà đầu tư bên ngoài.

Các doanh nghiệp niêm yết phải thực sự nâng cao mức minh bạch thông tin của mình và đó là động lực để doanh nghiệp tuyển dụng các chuyên gia tài chính tốt. Tình hình có nhiều bất ổn do dịch bệnh, chiến tranh và biến đổi khí hậu như hiện nay thực sự là một thử thách, nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp có chiến lược phát triển linh động và đúng đắn.