Bước sang năm 2023, nền kinh tế của chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì, thưa ông?

Đến thời điểm hiện tại, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô kinh tế Việt Nam cho thấy xu hướng phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với không ít các yếu tố bất lợi, rủi ro và thách thức mới, cùng xuất hiện.

Yếu tố nào ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam năm 2023?
TS Trần Toàn Thắng

Một số rủi ro lớn nhất hiện nay có thể làm thay đổi xu thế tăng trưởng và khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và tác động có thể kéo dài sang 2023 được chỉ ra gồm: Cuộc chiến tại Ukraine kéo dài và khủng hoảng năng lượng tại Liên minh châu Âu (EU); chính sách “Zero Covid” và suy giảm tăng trưởng tại Trung Quốc; tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu; chính sách tăng lãi suất của Mỹ và phản ứng các đồng tiền lớn khác; khủng hoảng năng lượng tại EU và đặc biệt là vòng xoáy lạm phát và nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế lớn.

Các số liệu về tăng trưởng kinh tế thế giới các quý đầu năm 2022 cho thấy, sự sụt giảm mạnh của các nền kinh tế lớn do biến động địa chính trị thế giới, lạm phát và chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc. Các nhân tố bất lợi dồn dập xuất hiện, đan xen phức tạp khiến cho vấn đề lạm phát và suy thoái càng trở nên khó giải quyết hơn. Lạm phát tăng nhanh buộc ngân hàng trung ương các nước nhiều lần tăng mạnh lãi suất, nhưng cuộc xung đột Ukraine kéo dài, chính sách “Zero Covid” buộc Trung Quốc nhiều lần áp dụng chính sách phong tỏa khiến nguồn cung, các chuỗi cung ứng tiếp tục ở trạng thái khan hiếm, đứt gãy, nguy cơ giá cả vẫn sẽ ở mức cao ngay cả khi chính sách tiền tệ được thắt chặt.

Các dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022-2023 đều bị điều chỉnh giảm mạnh do các bất ổn ngày càng gia tăng. Tháng 6/2022, Ngân hàng thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 xuống khoảng 2,2-2,3%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,6% trước đại dịch (2010-19) và các mức dự báo trước đây. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (tháng 7/2022) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% vào hồi tháng 4/2022, do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc, Nga và Mỹ. Về tăng trưởng của năm 2023, IMF cũng hạ dự báo GDP từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống còn 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển dự kiến sụt giảm mạnh.

Sự suy giảm của các nền kinh tế lớn sẽ có những tác động cụ thể nào đến kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Sự suy giảm của các nền kinh tế đối tác lớn dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam thông qua các tác động về thương mại, tỷ giá và năng lực cạnh tranh. Mỹ, EU và Trung Quốc là đối tác xuất khẩu và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do vậy suy giảm kinh tế các quốc gia này sẽ dẫn tới sụt giảm xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam. Tiêu dùng cũng Mỹ giảm sẽ áp lực giảm phát tới nền kinh tế Mỹ, từ đó khiến đồng USD mất giá. Điều này gián tiếp ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam thông qua tác động tỷ giá.

Suy giảm kinh tế Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU17) có thể khiến cho quy mô nền kinh tế (GDP) của Việt Nam giảm 0,32% trong năm 2022 và 0,55% trong năm 2023. Xuất khẩu cũng lần lượt giảm 0,52% và 0,72% trong năm 2022 và 2023, trong khi nhập khẩu giảm ít hơn ở mức 0,31% và 0,5% trong năm 2022 và 2023. Đồng USD có thể mất giá 1,8% trong năm 2022 và 1,7% năm 2023 so với đồng VND do tác động của suy giảm kinh tế Mỹ. Trong khi đó, áp lực lạm phát của Việt Nam cũng giảm 0,78% trong năm 2022 và 0,47% trong năm 2023, thông qua sự suy giảm của giá hàng hóa thế giới khi nhu cầu của Mỹ yếu đi.

Trước những khó khăn “bủa vây” như trên, theo ông, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ như thế nào và chúng ta cần chú ý gì?

Dự báo Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Về chính sách tài khóa, hợp phần đầu tư của Chương trình hỗ trợ - lên đến khoảng 1,6% GDP - dự kiến sẽ được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi. Tuy nhiên, với nền tảng tăng trưởng khá cao trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại, từng bước trở về trạng thái trước Covid-19, do sức bật cầu trong nước có thể không mạnh mẽ như năm 2022. Giá cả nguyên vật liệu tăng cao bắt đầu chuyển hóa rõ nét hơn vào chi phí sản xuất. Xuất nhập khẩu có thể tăng chậm hơn so với năm 2022, do tình trạng khó khăn kéo dài của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn ở mức thấp, do các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức, những thách thức này ngoài yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới, còn do những bất ổn trong nội tại nền kinh tế trong nước. Chính vì vậy, tăng trưởng 2023 đi theo kịch bản nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Với các yếu tố tác động như trên, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo 2 kịch bản. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022. Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.

Rút kinh nghiệm từ năm 2022 trong điều hành về giá xăng dầu cũng như cung về xăng dầu. Chúng tôi phân tích thấy rằng giá xăng dầu đóng góp khoảng trên 50% trong lạm phát của Việt Nam. Một điểm thứ hai là chúng ta cũng kỳ vọng đầu tư công sẽ dần được thực hiện giải ngân một cách rốt ráo hơn và nó vẫn là một trong những động lực tăng trưởng trong năm 2023. Chúng ta cần phải tính đến những rủi ro từ bên ngoài, đặc biệt là rủi ro về cầu xuất khẩu có thể giảm xuống do thu nhập của người dân ở các thị trường bên ngoài giảm đi. Khi nền kinh tế Việt Nam với độ mở như hiện nay thì đây là yếu tố cần phải chú ý trong thời gian tới.