PV: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn tăng lãi suất, nhưng mức độ nhẹ dần. Thưa ông, đây có phải là yếu tố thuận lợi giúp giảm áp lực đối với thị trường tài chính?

Những ngành liên quan đến xuất khẩu có khả năng phục hồi tốt
Ông Phùng Trung Kiên

Ông Phùng Trung Kiên: Gần đây, FED đã tăng lãi suất, nhưng mức tăng chỉ 50 điểm cơ bản và đây là một tín hiệu khác nhiều so với các lần tăng lãi suất trước, bởi trong 4 lần gần đây nhất, FED đều tăng tới 75 điểm cơ bản. Đây là một tín hiệu tích cực hơn cho thị trường tiền tệ thế giới. Nó được đưa ra trên cơ sở mục tiêu lạm phát của Mỹ trong năm 2022 đã đạt kỳ vọng là 7%.

Năm 2023, mục tiêu tăng chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ là dưới 2%. Với bối cảnh này, dự báo trong thời gian tới, các đợt nâng lãi suất của FED nếu có cũng sẽ chỉ ở mức thấp khoảng 25 điểm cơ bản. Lộ trình cụ thể có thể diễn ra theo kịch bản: tháng 2 sẽ có 1 kỳ họp và dự báo sẽ nâng 25 điểm, sau đó đến tháng 3 và tháng 4 mỗi lần nâng 25 điểm để đến giữa năm 2023, lãi suất của FED sẽ ở mức khoảng 4,75 - 5% và sau đó sẽ dừng lại. Trong thời gian tiếp theo, tôi cho rằng FED sẽ quan sát tiếp diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng như thế nào, nếu chỉ số giá tăng dưới 2% thì FED sẽ chuyển sang trạng thái giảm lãi suất vào năm 2024.

PV: Áp lực tăng lãi suất trên thế giới tuy đang giảm dần, nhưng một áp lực khác là nguy cơ suy thoái kinh tế, việc này nên được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

Ông Phùng Trung Kiên: Nguy cơ suy thoái không còn là dự báo nữa, mà hiện tại đang diễn ra. Nhưng đây là cuộc suy thoái chủ động, suy thoái nhẹ để hạn chế ảnh hưởng của lạm phát. Câu chuyện này không còn mới, cũng được các chuyên gia đề cập nhiều. Nhưng suy thoái nhẹ sẽ làm cho giá cả hàng hóa giảm và đó là tín hiệu tích cực chung cho nền kinh tế thế giới về dài hạn.

Những ngành liên quan đến xuất khẩu có khả năng phục hồi tốt
Nguồn: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

PV: Với bối cảnh này, cục diện thị trường tiền tệ trong nước có thể sẽ diễn biến như thế nào?

Ông Phùng Trung Kiên: FED tăng lãi suất dù với mức độ nhẹ hơn thì vẫn có những tác động nhất định, nhưng không còn tạo ra những cú sốc lớn như những gì diễn ra trong năm 2022. Các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng sẽ ít chịu áp lực phải tăng lãi suất theo, hoặc nếu có thì cũng nhẹ hơn nhiều so với trước.

Về tỷ giá, USD sẽ không còn tăng giá, đặc biệt là chỉ số USD đã hình thành xu hướng giảm giá trung hạn. Với thị trường tiền tệ trong nước, tỷ giá của VND so với USD giảm cũng sẽ giúp giảm áp lực đáng kể lên lãi suất. Theo quan sát của tôi, 2 đợt tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi cuối tháng 9 và cuối tháng 10/2022 đều do áp lực tỷ giá. Khi áp lực tỷ giá không còn như trước, Việt Nam sẽ không còn đợt tăng lãi suất trong nước nào, thậm chí lãi suất trong nước sẽ giảm dần.

PV: Tỷ giá hiện tại là ổn định, nhưng sự ổn định này có thể diễn ra bền vững hay không và ông có đánh giá như thế nào về cán cân cung cầu USD hiện tại, cũng như dự báo về diễn biến tỷ giá trong trung và dài hạn?

Ông Phùng Trung Kiên: Dự trữ ngoại hối vẫn còn ở mức tốt, có thể đủ tài trợ được cho vài tháng nhập siêu. Trong khi đó, cán cân thương mại hiện nay vẫn đang trong tình trạng xuất siêu nên nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào. Đặc biệt, vừa qua Trung Quốc đã mở cửa trở lại làm tăng khả năng xuất khẩu cho hàng Việt Nam. Do đó, dự trữ ngoại hối có thể vẫn còn tăng.

Trên đà xuất khẩu đang gia tăng như vậy, các chính sách của Chính phủ cũng đang tiếp tục hướng tới việc hỗ trợ xuất khẩu và đây sẽ là yếu tố lợi thế cho việc thu hút nguồn cung USD và nhờ đó tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá về trung và dài hạn.

PV: Vậy theo ông đâu sẽ là kênh đầu tư tốt vào lúc này?

Ông Phùng Trung Kiên: Nói về các kênh đầu tư, tôi cho rằng những kênh thu nhập cố định sẽ là những kênh có sức thu hút dòng tiền trong thời gian hiện tại, ví dụ như tiền gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư trái phiếu chính phủ. Trong khi đó, cổ phiếu vẫn là thị trường đầu cơ còn nhiều rủi ro và thường thì cổ phiếu sẽ chỉ tăng giá rõ nét khi lãi suất giảm.

Tuy nhiên, trong quan điểm đầu tư dài hạn thì một số cổ phiếu thuộc các ngành nghề có các yếu tố nền tảng phục hồi tốt vẫn có thể là địa chỉ hợp lý cho các mục tiêu đầu tư. Đó là những nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu và những nhóm ngành phục vụ hoạt động đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, đó là các ngành như dệt may, nông, thủy hải sản, linh phụ kiện, sắt thép, bất động sản khu công nghiệp, ngành dịch vụ cảng biển…

PV: Xin cảm ơn ông!