Tin giả, hậu quả thật

Bảo vệ doanh nghiệp trước nạn tin giả ngày càng được quan tâm bởi tin giả xấu độc không những có sức công phá nền kinh tế, tài chính, nông nghiệp mà còn đe dọa đến an toàn an ninh của mỗi quốc gia.

Tin giả là gì? Có thể có thể có nhiều cách tiếp cận nhưng theo chia sẻ trên website: tingia.gov.vn- một website của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thì tin giả là tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng.

Tuy nhiên có vẻ như trên thực tế và ngay tại buổi toạ đàm cho thấy, vấn nạn tin giả còn có vè phức tạp hơn, đặc biệt là nếu xét về hậu quả của nó mà như ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam thì tin giả nhưng hậu quả lại là thật.

Ông Tuấn phân tích, tin giả không phải bây giờ mới có mà đã từng xuất hiện song nay do truyền thông xã hội mạng khuếch đại lên với muôn hình vạn trạng.

Một chủ doanh nghiệp chỉ cần có thông tin bị bắt, ốm là cả doanh nghiệp đã “lãnh” đủ”- ông Tuấn nói.

Cũng theo phân tích của ông Tuấn, không chỉ doanh nghiệp chịu hậu quả của nạn tin giả mà cả đối tác cũng phải gánh chịu hậu quả. Trong khi đó nguồn phát tin giả hiện nay khó biết và nắm bắt mà chỉ có cơ quan có chức năng mới biết chứ với doanh nghiệp là khó. Ông Tuấn cho rằng, hiện tại nạn tin giả không loại trừ tình huống có cả người đạo diễn tin đồn song đa phần là do thiếu thông tin.

Trong khi theo chia sẻ của các chuyên gia tại toạ đàm, bản thân các doanh nghiệp hiện còn thụ động trong đấu tranh với tin giả thì ngay thái độ của người dân và xã hội đây đó còn thờ ơ với đấu tranh với tin giả. Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam kể từ khi thành lập tháng 4/2021 đến nay mới tiếp nhận được khoảng 5.000 phản ánh về tin giả, một con số mà ông cho rằng không phải là nhiều.

Việt Nam không thiếu các đầu mối phản ánh nạn tin giả. Bên cạnh website: tingia.gov.vn thì còn có cả Tổng đài 18008108 chuyên tiếp nhận phản ánh về tin giả”- ông Lê Quang Tự Do cho biết.

Vỏ quýt dày cần móng tay nhọn

Ngày nay, với sự bùng nổ của internet và các mạng xã hội, nạn tin giả đã và đang gây ra nhiều mối hiểm họa nguy hại. Tin giả xấu độc không những có sức công phá nền kinh tế, tài chính, nông nghiệp mà còn đe dọa đến an toàn an ninh của mỗi quốc gia.

Trong phạm vi nhỏ hơn là quyền lợi của doanh nghiệp, cá nhân, tin giả cũng mang lại sức công phá khủng khiếp. Nhiều doanh nghiệp nằm trên bờ vực phá sản hoặc lao đao do tin đồn thất thiệt.

Bảo vệ doanh nghiệp trước nạn tin giả: Việc không chỉ của doanh nghiệp
Các chuyên gia tại toạ đàm

Giải pháp để bảo vệ doanh nghiệp trước nạn tin giả được các chuyên gia thảo luận khá sôi nổi tại toạ đàm. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Công ty TNHH Lê & Brothers nhấn mạnh việc mở các cuộc đối thoại là một phương cách chống tin giả bởi trong giai đoạn hiện nay càng cởi mở bao nhiêu, tiếp xúc với công chúng càng nhiều càng tốt. Đó là biểu hiện của nguyên lý minh bạch trong truyền thông.

Ông Vinh cũng nhấn mạnh việc chủ động nắm bắt, đo lường được xem người dân và doanh nghiệp quan tâm gì.

Truyền thông cần phải đi trước truyền thông để tránh suy diễn và hiện nay, công nghệ cho phép chúng ta làm điều này Chiến lược truyền thông cần hướng tới sự chủ động, tích cực và minh bạch”- ông Vinh nói.

Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang được giao tổ chức hội nghị về truyền thông chính sách cũng như đào tạo năng lực truyền thông chính sách cho cán bộ nhà nước.

Theo ông Do, doanh nghiệp phải cùng các cơ quan nhà nước đấu tranh chống tin giả, tin đồn bởi doanh nghiệp thời gian vừa qua chưa thật chủ động đấu tranh, chưa làm bài bản công việc này. Cùng đó các bộ phải cùng nhau quản lý không gian mạng.

Còn ông Nguyễn Vũ Long, quyền Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Vndirect cho rằng, từ những hệ luỵ của nạn tin giả, phải học cách thích nghi với tin giả nhất là tin giả về nhà đất, tài chính.

Công ty của ông có cách xử lý riêng theo đó luôn duy trì và giữ mối giao lưu với khách hàng để khi có sự cố có thể nhanh chóng truyền thông lại trực tiếp để giúp nhà đầu tư thị trường “bình tĩnh” trở lại.

Ông Đậu Anh Tuấn từ thực tiễn tiếp xúc doanh nghiệp đề xuất cần có chuyên gia chuyên nghiệp về thông tin chính thống cũng như phải có thật nhiều thông tin tốt, thông tin đáng tin cậy.

Còn ông Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thừa nhận, chế tài xử tin giả còn nhẹ quá. Tuy nhiên “điều này không có nghĩa là hình phạt cao thì tội phạm giảm trong đó có cả tin giả và nhữn hậu quả của nó”, ông Huế nhìn nhận.

Giải pháp căn cơ vẫn là nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Cùng đó phản ứng cơ quan báo chí chính thống cần nhanh hơn. Đặc biệt việc xử lý nạn tin giả cần triệt để hơn.

Về phía các cơ quan nhà nước, theo ông Lê Quang Tự Do, trong 5 năm gần đây, Bộ Thong tin và Truyền thông cùng Bộ Công an đã tăng cường đáng kể năng lực xử lý nạn tin giả và điều này đã thể hiện rất rõ trong các khoảng thời gian cả nước cùng chống dịch bệnh Covid-19.

Là một chuyên gia truyền thông, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, chống tin giả cần giải pháp toàn diện và đi cùng đó là giải pháp răn đe giúp hạn chế phát tán tin giả hoặc trở thành nguồn chia sẻ một cách vô tình.