1534 de
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo Báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, sản xuất dệt may tháng 7 tăng 7% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm, toàn ngành tăng 1,8%; sản xuất trang phục tháng 7 tăng 13,2% so với tháng trước song tính chung 7 tháng vẫn giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn bởi sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu.

Tính đến tháng 7 vừa qua, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho II quý cuối năm. Trong khi đó, mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ hỗ trợ việc làm cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II hiện đã đã giá giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

Vì điều này, Tập đoàn Dệt may (Vinatex) dự báo, xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm từ 14 - 18% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Theo đó, nửa cuối năm 2020, doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa đồng thời tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm; bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.

Được biết, ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực. Đây được coi là cơ hội lớn đối với ngành dệt may Việt Nam bởi theo cam kết của EVFTA, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU, hàng dệt may sẽ được EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm, 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ được EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm.

Ngoài việc hưởng lợi thế về thuế suất, Hiệp định này còn hứa hẹn mang lại cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam cơ hội nhập khẩu máy móc chất lượng cao, tiếp cận nguồn nguyên liệu đạt chuẩn tại EU…

Với những cơ hội lớn, nhiều doanh nghiệp dệt may sẵn sàng tâm thế để “đón sóng” ngay khi hiệp định có hiệu lực để tận dụng được lợi thế về thuế quan trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư bài bản từ nhà xưởng, máy móc công nghệ đến việc đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, với quy mô xuất khẩu gần 5 tỷ USD/năm sang EU, việc làm thể nào để dệt may Việt Nam thỏa mãn tiêu chí xuất xứ “từ vải trở đi” trong EVFTA để được giảm thuế vẫn là bài toán khó.

Quy tắc xuất xứ từ vải sẽ khiến dệt may Việt Nam khó được hưởng lợi từ Hiệp định này bởi thực tế, ngành dệt may hiện chưa chủ động được nguồn vải đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào EU; việc mua vải trong nước phải trả thuế VAT 10% đắt hơn so với vải nhập khẩu khiến lợi ích cắt giảm thuế quan chưa đủ bù đắp để giảm giá bán và cạnh tranh được với các quốc gia khác.

Thêm vào đó, nguyên tắc cộng gộp trong EVFTA cho phép doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc hoặc một nước thứ 3 mà hai bên cùng ký Hiệp định thương mại tự do như: Nhật Bản, ASEAN. Do đó, giá thành cao và chủng loại nguyên liệu không phong phú cũng là vấn đề cần tính toán của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, quy tắc xuất xứ đang là vấn đề khó nhất của dệt may Việt Nam trong tận dụng EVFTA. Ngoài vấn đề quy hoạch, việc gỡ nút thắt này cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương trong tiếp nhận dự án dệt nhuộm.

Trước đề xuất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ sẽ phối hợp với hiệp hội, đơn vị liên quan sớm hoàn thành chiến lược phát triển, làm cơ sở cho ngành phát triển khâu thượng nguồn, đáp ứng quy tắc xuất xứ. Trước mắt, Bộ sẽ xây dựng hệ thống riêng về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tuyên truyền và lựa chọn một số doanh nghiệp đưa vào hệ thống, kết nối với EU để đảm bảo uy tín của Việt Nam…

Về phía doanh nghiệp, những việc các doanh nghiệp dệt may cần làm là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh tại thị trường EU. Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ.

Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam được hưởng lợi từ EVFTA

Từ hôm nay (1/8), Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Theo đó, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng ...

Doanh nghiệp dệt may: Loay hoay "cuộc chiến" đơn hàng

Theo các doanh nghiệp dệt may, thời điểm này mới là lúc "ngấm đòn" COVID-19 sau giai đoạn được "cứu cánh" bởi các mặt hàng khẩu ...

Dệt may Thành Công sắp phát hành hơn 4 triệu cổ phiếu thưởng

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) vừa thông báo triển khai phương án phát hành cổ phiếu để ...