3701-moc-chau
Hình minh họa

Kể từ ngày 19/11/2020, VSD đã nhận lưu ký toàn bộ số cổ phiếu trên theo hình thức ghi sổ. Việc giao dịch cổ phiếu MCM sẽ được thực hiện theo Quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ngoài ra, VSD cũng thông báo tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) của mã chứng khoán MCM sẽ là 49%. Như vậy khối lượng nước ngoài được phép sở hữu khoảng 32,7 triệu cổ phiếu.

Giữa tháng 10, doanh nghiệp sữa đã thực hiện thay đổi kế hoạch từ niêm yết HoSE sang thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Hiện nay Vilico đang là công ty mẹ sở hữu 51% cổ phần MCM. Trong khi đó Vinamilk nắm giữ quyền chi phối gián tiếp khi sở hữu 75% vốn GTNfoods và GTNfoods sở hữu gần 74% vốn Vilico. Mộc Châu Milk cũng đang có kế hoạch phát hành 43,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng.

Mộc Châu Milk dưới thời của Vinamilk đang tăng tốc đáng kể. Doanh thu thuần quý III tăng 14% lên 775 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 34,6%, cải thiện mạnh so với mức 18-19% các năm trước đây nhưng vẫn kém biên lãi gộp của Vinamilk (trên 45%).

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp quý III tăng 113% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 102 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng có lãi ăng 69% đạt gần 209 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, hồi đầu tháng 7/2020, công ty đã phát hành thêm 43,2 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn từ 668 tỷ lên 1.100 tỷ đồng để tài trợ cho các dự án đầu tư của công ty.

Tổng số tiền thu về từ việc phát hành 43,2 triệu cổ phần khoảng 1.249 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí phát hành (nếu có), công ty sẽ dùng số tiền này để đầu tư trang trại bò sữa mới với quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái, nâng cấp trang trại hiện hữu lên quy mô 2.000 con, đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước và xây dựng nhà máy mới.

Tổng vốn đầu tư các dự án này rơi vào khoảng 1.600 tỷ đồng. Số tiền còn lại sẽ được lấy từ nguồn vốn khác của công ty và/hoặc đi vay.

Bị UBCKNN xử phạt hơn nửa tỷ đồng

Cuối tháng 10 vừa qua, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Mộc Châu Milk, mức phạt lên tới 545 triệu đồng.

Theo đó, Giống bò sữa Mộc Châu bị phạt 70 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với Báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2018; Nghị quyết, Biên bản và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.

Bên cạnh đó, Công ty chịu mức phạt 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán. Cụ thể, Công ty được UBCKNN chấp thuận đăng ký công ty đại chúng từ ngày 09/9/2008. Tuy nhiên, đến nay, Công ty chưa đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định.

Ngoài ra, Giống bò sữa Mộc Châu còn bị phạt 125 triệu đồng do năm 2019, Công ty thực hiện phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu lên mức 668 tỷ đồng nhưng không báo cáo với UBCK.