Việc Hà Nội dừng điều chỉnh tên người sử dụng đất tại Khu đô thị Thanh Hà không có gì làm lạ bởi trước đó, luận bàn về vấn đề này, giới chuyên gia và các luật sư từng khẳng định, đây là quyết định vội vàng và Hà Nội cần phải xem xét lại.

Vì sao Hà Nội dừng điều chỉnh tên người sử dụng đất tại Khu đô thị Thanh Hà?
Một không gian Khu đô thị Thanh Hà (Ảnh: TL).

Mới đây, Hà Nội lại xôn xao việc dừng điều chỉnh tên người sử dụng đất tại Khu đô thị Thanh Hà. Theo đó, sau gần hai năm ra quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất tại Khu đô thị Thanh Hà A, B và Khu đô thị Mỹ Hưng của chủ đầu tư là Công ty Địa ốc Cienco5 sang một chủ đầu tư khác, ngày 7/11, UBND Thành phố Hà Nội bất ngờ ra quyết định tạm dừng quyết định này.

Theo Quyết định số 4301/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, Hà Nội sẽ tạm dừng thực hiện Quyết định số 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND Thành phố về việc điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây).

Trước đó, ngày 25/11/2020, ông Nguyễn Quốc Hùng - cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ký Công văn số 5269 với nội dung điều chỉnh lại tên người sử dụng đất tại các Khu đô thị Thanh Hà A, B và Mỹ Hưng, cho một chủ đầu tư khác. Chủ đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Địa ốc Cienco5 sau đó đã có đơn kêu cứu khẩn cấp và khiếu nại về Quyết định 5269 gửi các cơ quan chức năng ở cả Trung ương và địa phương.

Để xử lý dứt điểm vụ việc, UBND Thành phố Hà Nội quyết định lập Đoàn thanh tra để kiểm tra và rà soát tổng thể Dự án. Tại Kết luận Thanh tra số 3271/BC-TTTP-P2 ngày 24/8/2022, Thanh tra Thành phố đã nêu rõ nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, đối với việc tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2010, Kết luận Thanh tra nêu rõ, theo quy định tại Khoản 1, Điều 55 Luật Đầu tư năm 2005 và điểm b, Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành quy chế Khu đô thị mới, thì việc UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) ban hành quyết định giao đất cho Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 để thực hiện các dự án hoàn vốn (tại các Quyết định số 3128/QĐ- UBND, số 3129/QĐ-UBND, số 3130/QĐ-UBND ngày 30/7/2008), là không đúng. Do Khu đô thị Thanh Hà A, B, Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 đã thực hiện công tác GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng công trình nhà thấp tầng, cao tầng theo các Quyết định số 3129, số 3130/QĐ-UBND ngày 30/7/2008; đối với Khu đô thị Mỹ Hưng chưa triển khai đầu tư, do đó UBND Thành phố điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại Quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 từ Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 thành Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5-CTCP (tại Quyết định số 5269/QĐ- UBND ngày 25/11/2020). Tuy nhiên, khi trước khi trình UBND Thành phố ban hành Quyết định 5269, Liên ngành Thành phố Hà Nội chưa làm rõ, xử lý vướng mắc về cổ phần hóa và thực hiện nghĩa vụ tài chính của Công ty Xây dựng công trình giao thông 5-CTCP.

Đối với việc xem xét đề nghị của Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5, theo Kết luận Thanh tra, sau khi nhận được đơn khiếu nại, ngày 05/02/2021, UBND Thành phố có Quyết định số 662/QĐ-UBND giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xác minh nội dung khiếu nại của Công ty. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có báo cáo xác minh nội dung khiếu nại gửi UBND Thành phố.

Căn cứ Khoản 3, Điều 29 và Điều 31 Luật Khiếu nại năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường phải có Báo cáo xác minh và UBND Thành phố ra quyết định giải quyết khiếu nại của Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 đối với Quyết định số 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND Thành phố theo đúng quy định pháp luật.

Trước những tồn tại, vướng mắc nêu trên, Thanh tra Thành phố kiến nghị UBND Thành phố, các Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường tham vấn ý kiến các cơ quan Trung ương, Tổng cục An ninh, Bộ Công an về một số nội dung liên quan đến Dự án BT đường trục phía Nam. Đồng thời, kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND Thành phố tạm dừng Quyết định 5269/QĐ-UBND.

Theo các chuyên gia và giới luật sư, đây là chuyện không lấy làm lạ, bởi trước đó, nhiều người từng nhận định, đây là quyết định vội vàng và Hà Nội cần phải xem xét lại; câu chuyện bồi thường chắc chắn phải được đặt ra. Việc điều chỉnh đã trực tiếp gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, mà từ năm 2008 đến nay, Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 đã bỏ không ít tiền của và công sức.

Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT với tổng vốn đầu tư hơn 6.067 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đầu tư được đối ứng bằng tiền sử dụng đất của 3 dự án: Khu đô thị Thanh Hà A (195,5ha), Khu đô thị Thanh Hà B (193,22ha), Khu đô thị Mỹ Hưng (182ha). Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco5 Land) làm chủ đầu tư.

Dự án được triển khai từ năm 2008, đến nay, mới thi công được 19,9km, đạt khoảng gần 50% khối lượng dự án BT theo hợp đồng đã ký. Dự án đã chậm hơn 9 năm so với thời gian thực hiện dự án theo Hợp đồng.