Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam- Petrolimex (mã PLX) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022. Theo đó, Petrolimex dự kiến trình kế hoạch thay đổi các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm nay.

Petrolimex đặt mục tiêu doanh thu tăng khủng nhưng lợi nhuận tụt dốc
Petrolimex chiếm một nửa thị phần xăng dầu trong nước

Cụ thể, PLX dự kiến doanh thu hợp nhất tăng từ mức 186.000 tỷ đồng theo kế hoạch cũ lên 240.000 tỷ đồng. Trong khi đó, PLX giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế từ 3.060 tỷ đồng theo kế hoạch cũ xuống còn 300 tỷ đồng. Petrolimex giữ nguyên chỉ tiêu nộp ngân sách, đầu tư phát triển và cổ tức.

Lợi nhuận của Petrolimex có thể giảm nữa nếu giá dầu thế giới từ giờ tới cuối năm xuống sâu.

Theo lưu ý của Petrolimex, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề nghị điều chỉnh được căn cứ theo các thông tin thị trường xăng dầu thế giới tại thời điểm báo cáo. Tập đoàn chưa tính tới trường hợp giá xăng dầu thế giới đảo chiều theo xu hướng giảm, đặc biệt trong tháng 12/2022 và dẫn đến việc tập đoàn phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho vào thời điểm kết thúc ngày 31/12/2022.

Doanh nghiệp cho biết phải điều chỉnh kế hoạch vì bị ảnh hưởng nặng bởi các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Petrolimex đánh giá, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp dưới tác động từ biến động bất thường của giá dầu, nguồn cung năng lượng thế giới, cơ chế vận hành liên quan đến cấu thành giá cơ sở và sự cố từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Luỹ kế đến hết tháng 9, doanh thu của Petrolimex đạt hơn 225.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và tương đương gần 94% chỉ tiêu mới. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm gần 5 lần, chỉ đạt 614 tỷ đồng. Riêng quý III, hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex phát sinh lỗ, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi.

Doanh nghiệp này lý giải, 9 tháng đầu năm và nhất là các thời điểm biên độ giá xăng dầu tăng cao, một số đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng dừng bán hoặc bán hạn chế, khiến nhu cầu dồn về hệ thống Petrolimex. Sản lượng tiêu thụ của công ty này tăng mạnh trên tất cả kênh bán, trong đó sản lượng bán hàng nội địa 10 tháng đầu năm vượt 14% so với kế hoạch, tăng 22% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, và đặc biệt vào các thời điểm biên độ giá tăng lớn, đã xảy ra hiện tượng một số thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối/cửa hàng xăng dầu ngoài xã hội hạn chế bán hàng hoặc dừng bán hàng, nhu cầu dồn về Petrolimex khiến sản lượng tiêu thụ của tập đoàn tăng mạnh trên tất cả các kênh bán hàng.

Sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực rất lớn trong công tác tạo nguồn của tập đoàn, lượng hàng tồn kho sụt giảm nhanh dẫn đến tập đoàn phải nhập mua đuổi để kịp thời bù đắp và đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh đó, Petrolimex cũng bị ảnh hưởng vì điều chỉnh tỷ giá và lợi nhuận giảm do lùi thời gian điều chỉnh giá bán trong bối cảnh giá dầu có xu hướng tăng.

Trong quý III/2022, Petrolimex ghi nhận doanh thu tăng cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước, lên gần 73.700 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD). Doanh thu tăng vọt kéo lợi nhuận gộp tăng 38%, lên hơn 2.800 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 190 tỷ đồng, cao gần gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình, Petrolimex cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu quý III/2022 vẫn phát sinh lỗ, do giá xăng dầu thế giảm và chi phí khâu tạo nguồn, khâu lưu thông thực tế tăng cao hơn chi phí định mức theo quy định được tính trong giá cơ sở.

Khoản lỗ của hoạt động kinh doanh xăng dầu được bù đắp nhờ lợi nhuận từ hoạt động lĩnh vực khác tăng, trong đó một số công ty con kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay đã trở lại hoạt động ổn định.

Tồn kho của Petrolimex tính tới cuối quý III tăng gần 1.530 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 14.692 tỷ đồng.

Cổ phiếu PLX ngày 17/11 giảm 350 đồng xuống 25.650 đồng/cp, giảm mạnh so với mức trên 63.000 đồng/cp hồi cuối tháng 2/2022.