Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua một Cổng Thông tin điện tử trực tuyến. Đây là một bước chuyển quan trọng khẳng định chủ quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Facebook, Google, TikTok, Netfix, Apple…đã nộp hơn 3.444 tỷ tiền thuế | Báo Công Thương
Facebook, Google, TikTok, Netfix, Apple… đã nộp hơn 3.444 tỷ đồng tiền thuế

Được biết, sau hơn 8 tháng triển khai Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 42 doanh nghiệp đăng ký, khai thuế và nộp thuế từ nhiều quốc gia như Hoa kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong ; Ireland; Lithuania; Thụy Sĩ, Úc … ; Tổng số thuế đã nộp hơn 3.444 tỷ đồng trong đó: gần 1.900 tỷ đồng các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và phần còn lại do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay (trong đó Facebook là 1.748 tỷ đồng, Google là 979 tỷ đồng). Trong đó, 06 nhà cung cấp nước ngoài lớn Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (Bộ Công Thương), trong năm 2020 với 53% dân số mua sắm trực tuyến, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Trong khi đó, theo báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain&Company, năm 2020 cũng chứng kiến sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực, cụ thể lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; Trong năm 2021 với 70,7% dân số mua sắm trực tuyến, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 53%, đạt 21 tỷ USD (giá trị nền kinh tế Internet xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á).

Theo đó, các giải pháp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử để các doanh nghiệp có khả năng chống chọi với dịch bệnh Covid-19 đang là nhóm giải pháp được ưu tiên triển khai từ quý IV/2020.

Theo ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết: Tại Điểm 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 đã quy định trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế; nghĩa vụ của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam. Do đó, để quản lý tốt đối với nhà cung cấp nước ngoài, yêu cầu đặt ra là phải có các biện pháp, giải pháp, công cụ quản lý thuế hiện đại, tiên tiến, phù hợp với thông lệ của quốc tế, tiệm cận và từng bước hội nhập được với quản lý thuế của các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo Cục trưởng Nguyễn Bằng Thắng, triển khai Quyết định số 2146/QĐ-BTC, năm 2022, Tổng cục Thuế đã công bố và đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài thêm một lần khẳng định quyết tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế Việt Nam nói riêng trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa nền tài chính quốc gia, xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số của ngành Tài chính và của quốc gia.

Việc ngành Thuế triển khai Cổng thông tin dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế, tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan.

“Như vậy, công tác quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài về thương mại điện tử không chỉ riêng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế mà đã được cả hệ thống chính trị Quốc hội, Chính phủ vào cuộc. Đây là sức mạnh tổng hợp để Việt Nam có thể thành công trong thời gian tới đối với công tác quản lý thương mại điện tử khi quy mô thị trường thương mại điện tử ngày càng tăng trưởng. Đồng thời cũng khẳng định quyền đánh thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.” - Cục trưởng Nguyễn Bằng Thắng nhấn mạnh.

Quản lý doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam không chỉ thực hiện chức năng quản lý thu thuế mà cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị, của người sử dụng dịch vụ. Hiện nay, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục phối hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các giải pháp để tăng cường công tác quản lý thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số của nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google, TikTok, Netfix, Apple….