Thị trường sụt giảm mạnh và tiếp tục trầm lắng trong vài quý tới

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tháng 10/2022, chỉ có duy nhất 1 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận với giá trị 210 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 240.761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Trong 10 tháng đầu năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 56% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 51% so với cùng kỳ năm trước.

t

Lấy lại niềm tin, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường trái phiếu được kỳ vọng sẽ phục hồi vào cuối năm sau

Dữ liệu của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho thấy, thị trường TPDN giảm sâu trong 9 tháng đầu năm 2022. Ngay từ thời điểm tháng 3/2022, thị trường TPDN chậm lại nhằm chờ đợi Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn. Trong bối cảnh đó, tổng giá trị phát hành TPDN trong 3 quý giảm mạnh 43,5% so với cùng kỳ xuống còn 248.603 tỷ đồng, trong đó, 240.804 tỷ đồng phát hành riêng lẻ (giảm 42,2% so với cùng kỳ) và 7.799 tỷ đồng phát hành ra công chúng (giảm 66,8% so với cùng kỳ). Theo VNDIRECT, áp lực trái phiếu đáo hạn bắt đầu gia tăng từ quý 4/2022. Tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong quý 4/2022 đạt mức 58.840 tỷ đồng. Con số này giảm 9,1% so với quý trước nhưng tăng tới 87,7% so với cùng kỳ.

VNDIRECT cho rằng, thị trường TPDN có thể tiếp tục trầm lắng trong một vài quý tới xuất phát từ những sai phạm trong phát hành TPDN của các DN bị xử lý, thể hiện những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc làm trong sạch thị trường vốn. Bên cạnh đó, Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) bổ sung sửa đổi Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ chính thức được ban hành vào ngày 16/9/2022 được đánh giá là điểm tích cực đối thị trường vốn trong dài hạn vì Nghị định 65 tuy mang định hướng thắt chặt hơn so với nghị định cũ nhưng cũng đã nới lỏng hơn ở một số quy định so với những dự thảo được lấy ý kiến trước đó. Chúng tôi cho rằng các thành viên thị trường (DN phát hành, DN tư vấn và nhà đầu tư) cần thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với những quy định mới. Vì vậy, thị trường TPDN nhiều khả năng sẽ tiếp tục trầm lắng trong một vài quý tới” - VNDIRECT nhận định.

Về phía cung, VNDIRECT cho rằng tổng giá trị phát hành TPDN có thể phục hồi trở lại từ nửa cuối năm 2023 do Nghị định 65 mới cho phép các DN được phát hành TPDN với mục đích cơ cấu nợ. Đây là một trong những điểm trọng yếu theo hướng nới lỏng hơn, giúp các doanh nghiệp có thể tái cơ cấu nợ (theo đúng quy định) mà vẫn có thể tiếp cận được với kênh phát hành TPDN.

Khôi phục niềm tin của thị trường

Đánh giá về rủi ro tín dụng của TPDN, Fiin Ratings cho rằng, rủi ro của tín dụng TPDN đến an toàn hệ thống là rất thấp. Số liệu của Fiin Ratings cho thấy, dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng (tương đương với hơn 13% GDP năm 2021), trong đó, nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng thì số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908,8 nghìn tỷ đồng và các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455 ngàn tỷ đồng. “Con số này trên thực tế chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, và như các sự kiện đánh giá kết quả xếp hạng tín nhiệm trước đây của chúng tôi về ngành bất động sản, chất lượng tín dụng của ngành này có sự phân hóa cao, và vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ. Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN nên giữ bình tĩnh và sự tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ TPDN đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của DN phát hành”, Fiin Ratings nhận định.

Theo Fiin Ratings, cùng với việc cải thiện minh bạch thông tin và triển khai các quy định mới của Nghị định 65, việc đánh giá cụ thể chất lượng tín dụng và rủi ro đáo hạn trong giai đoạn tới sẽ là giải pháp quan trọng để khôi phục niềm tin của thị trường, nhất là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Hiện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang tích cực có những thông tư và hướng dẫn cụ thể, tin tưởng rằng thị trường sẽ chứng kiến sự trở lại của hoạt động phát hành cũng như gia tăng số lượng doanh nghiệp tham gia kênh vốn này.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt là trên thị trường TPDN. Thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững bởi “cung vững – cầu chắc”. Thị trường TPDN vẫn rất tiềm năng và cần tạo điều kiện để phát triển an toàn, minh bạch, bền vững. Bộ trưởng khẳng định, dù không đại diện cho toàn thị trường, nhưng những sai phạm trên thị trường TPDN riêng lẻ thời gian qua đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh TPDN. Do vậy, việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường.

“Vừa qua, Bộ Tài chính đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 65 với nhiều điểm mới, theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia. Chính sách mới sẽ cần thời gian để thị trường làm quen, nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.