Ngân hàng Sacombank - một trong những ngân hàng có quy mô tài sản và mạng lưới lớn nhất trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân - vừa có thông báo mới liên quan đến khách hàng gửi tiền.

Ngân hàng lớn đồng loạt tung chiêu hút khách gửi tiền
Sacombank là một trong những ngân hàng lớn có chính sách huy động tiền gửi đa dạng hấp dẫn.

Theo đó, từ nay đến hết ngày 31/12/2022, Sacombank triển khai ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp khi gửi tiền có kỳ hạn tại quầy. Đây là khuyến mãi mở đầu cho hàng loạt hoạt động thuộc chương trình “Sinh nhật vàng - Ngàn ưu đãi” thay cho lời cảm ơn đến khách hàng nhân dịp kỷ niệm 31 năm thành lập Sacombank (21/12/1991 - 21/12/2022).

Cụ thể, trong thời gian triển khai chương trình, khách hàng cá nhân gửi tiền từ 300 triệu đồng và doanh nghiệp gửi từ 500 triệu đồng sẽ được tặng ngay tiền thưởng tương đương nửa tháng tiền lãi với kỳ hạn từ 6 tháng và 1 tháng tiền lãi với kỳ hạn từ 12 tháng.

Tiền thưởng sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản thanh toán hoặc tài khoản thẻ tín dụng của khách hàng tại thời điểm gửi tiền. Riêng khách hàng doanh nghiệp có thể lựa chọn nhận gói tài trợ cho hoạt động công đoàn, hoạt động chăm lo đời sống CBNV… Đặc biệt, khách hàng còn có cơ hội nhận được những phần quà lưu niệm bất ngờ từ Sacombank.

Song song đó, Sacombank cũng đang triển khai chương trình siêu đặc biệt dành cho các khách hàng mở mới thẻ tín dụng và khách hàng giới thiệu mở thẻ tín dụng thành công với nhiều ưu đãi như miễn phí phát hành thẻ, miễn phí thường niên, hoàn tiền và ưu đãi khi sử dụng nhiều dịch vụ khác.

Hiện tại, theo khảo sát của chúng tôi, biểu lãi suất mới nhất mà Sacombank áp dụng có mức lãi suất cao nhất là 9%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 15 tháng đến 36 tháng. Tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là 8,3%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 8,9%/năm.

Chiếu theo mức cộng nói trên, khách hàng gửi tiền ở Sacombank đáp ứng được yêu cầu thì có thể hưởng lãi 6 tháng là 8,94%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 9,64%/năm - cao nhất trong số các ngân hàng lớn.

"Chiêu" hút khách gửi tiền của Sacombank như trên là "độc, lạ" nhất trên thị trường ở thời điểm này, khi hầu hết các nhà băng chỉ áp dụng tặng quà khuyến mãi hoặc cộng thêm lãi suất khi khách gửi tiền nhiều, hoặc khách VIP.

Mặt bằng chung, lãi suất của các ngân hàng hiện phổ biến ở mức 8 - 9%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, và có khoảng 6 ngân hàng đã đưa lãi suất cao nhất lên trên 9%. Có hai ngân hàng đang áp dụng lãi suất cao nhất toàn thị trường là ABBank với 10,5%/năm cho các khoản tiền lớn gửi kỳ hạn 15 tháng, và GPBank cộng thêm lãi suất thì tổng mức được nhận của khách hàng cao nhất là 10%.

Trước đó, từ thời điểm cuối tháng 10-2022, Vietcombank đã công bố tăng lãi suất. Với kỳ hạn 1-2 tháng, Vietcombank tăng lãi suất thêm 0,8%/ năm, lên mức 4,9%/ năm. Ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tăng thêm 1% lên 5,4%; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng điều chỉnh tăng cao nhất so với các kỳ hạn khác, thêm 1,3% lên mức 6%. Còn các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất được tăng từ 6,4% lên 7,4%.

Nhiều nhà băng đã áp dụng lãi suất tiền gửi tiết kiệm dưới 6 tháng ở mức kịch trần 6%/năm. Ở các kỳ hạn dài hơn, mức lãi cao nhất người gửi tiền nhận được trong giai đoạn này là 9,3%/năm.

Cụ thể, ở các kỳ hạn ngắn như 1 tháng, 3 tháng, nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất kịch trần 6% (gồm Techcombank, LienVietPostBank, SCB, NamABank, Kienlongbank, BacABank, NCB, GPBank, SHB, VietCapitalBank, Cake by VPbank).

Sau đợt điều chỉnh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiếp tục giữ hàng đầu lãi suất tiết kiệm. Kỳ hạn 12 tháng, SCB trả lãi tại quầy và online lần lượt ở mức 8,8% và 9,15%/năm.

"Việc điều chỉnh lãi suất và biên độ giao dịch tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh hiện nay là phù hợp, hợp lý và linh hoạt” - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM Nguyễn Đức Lệnh khẳng định và cho biết đây là sự điều chỉnh cần thiết, khách quan nhằm hướng đến và đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô trong tình hình mới.

Theo ông Lệnh, sự điều chỉnh này nhằm đạt được mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát tăng cao, kinh tế suy giảm tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới, đồng thời đồng đôla Mỹ tăng giá mạnh, trong khi nhiều đồng tiền mạnh (euro, yên, bảng Anh và cả đồng nhân dân tệ) mất giá so với USD.

Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá cũng như lãi suất của NHNN là phù hợp với xu hướng này và hạn chế thấp nhất những tác động ảnh hưởng không tích cực từ bên ngoài đối với nền kinh tế đất nước, khi mức độ hội nhập kinh tế và giao thương thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư của đất nước ngày càng sâu và rộng như hiện nay, với độ mở nền kinh tế lớn.