Top 10 của nhóm này bao gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát (8.000 tỷ đồng), Công ty cổ phần Osaka Garden (7.700 tỷ đồng), Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranena Revival Villas (7.200 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Địa ốc No Va (Novaland, 6.938 tỷ đồng), Becamex IDC (6.000 tỷ đồng)...

0907-trai-phieu-novaland
"Ông lớn" Novaland nằm trong "Top" những doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021. Hình minh họa

Top 10 nhóm sau gọi tên các doanh nghiệp: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Minh Tân (4.050 tỷ đồng), Công ty CP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (TNR Holdings, 4.000 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Big Game (3.900 tỷ đồng), Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC, 3.500 tỷ đồng), nhóm 3 công ty thuộc Sunshine Group (Công ty cổ phần Sunshine Homes, Công ty cổ phần Sunshine AM, Công ty cổ phần Kinh doanh nhà Sunshine) phát hành tổng cộng 10.100 tỷ đồng, Công ty cổ phần tập đoàn R&H (3.150 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Residence (3.000 tỷ đồng), Công ty cổ phần Vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang (2.736 tỷ đồng).

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu có giá trị gấp vài chục lần vốn chủ sở hữu. Đơn cử, Công ty Mediterranena Revival Villas có vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ đồng nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng TPDN, tương đương tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần.

Công ty Osaka Garden phát hành 7.700 tỷ đồng TPDN, gấp 28,5 lần so với vốn chủ sở hữu 270 tỷ đồng. Công ty cổ phần Kinh doanh Nhà Sunshine gấp 7,3 lần. Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Residence đều phát hành gấp 6 lần vốn chủ sở hữu. Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần...

Nếu tính chung 20 doanh nghiệp phát hành lớn nhất năm 2021 thì 13/20 đại diện của nhóm này là các ngân hàng, trong đó dẫn đầu là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 22.700 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành 22.200 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 18.847 tỷ đồng...

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2021, tổng khối lượng phát hành TPDN khoảng 639.766 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020. Trong đó, TPDN phát hành riêng lẻ chiếm tới gần 95%, tương đương 605.520 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm liền trước. Riêng quý I/2022, khối lượng phát hành riêng lẻ là 104.752 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành nhiều nhất, chiếm 36,18%; sau đó là nhóm bất động sản 33,16%.

Trong năm 2021, TPDN riêng lẻ có tài sản đảm bảo chiếm 49,7%.

Đối với riêng nhóm bất động sản và xây dựng, số trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán chiếm 88,2% khối lượng phát hành của nhóm này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp này chủ yếu là dự án, cổ phiếu, bất động sản hình thành trong tương lai, trong trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán nợ gốc và lãi vay của trái phiếu.