Trước khi nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, ông đã tìm hiểu về vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng cũng như T ập đoàn Vingroup mà ông ấy là Chủ tịch HĐQT ra sao và v ì sao ông lại nhận lời?

Trước khi nhận lời, tôi đã tìm hiểu rất kỹ thông tin về giải thưởng thông qua những người tin cậy. Có thể nói VinFuture là giải thưởng với tầm nhìn mới, nơi giới thiệu một hệ thống hạng mục được vinh danh có tính liên kết, có thể gửi đi những thông điệp, câu chuyện thú vị liên quan đến khoa học tới công chúng trên toàn thế giới và giúp mọi người có thể học hỏi, chia sẻ thêm nhiều điều hơn nữa.

Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture chia sẻ bài học từ giải Nobel
GS Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture

Tôi nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng giải thưởng vì bản thân luôn cảm thấy hào hứng khi bắt đầu những điều mới mẻ mà VinFuture là một giải thưởng mới, chứa đựng nhiều sự bất ngờ. Tôi tin tưởng VinFuture là nơi kết nối nhiều nhà khoa học, có khả năng tạo ra những gì đó thực sự mới mẻ và đem đến những câu chuyện mà cả thế giới quan tâm. Tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc vì được là một phần của quá trình đó.

Ông có suy nghĩ gì khi đến Việt Nam – quốc gia tổ chức giải thưởng VinFuture

Ấn tượng của tôi về Việt Nam là rất tích cực. Đây là đất nước tập hợp nhiều cá nhân tuyệt vời. Việt Nam là một nước với dân số trẻ và đang phát triển rất nhanh chóng. Tôi cảm thấy con người nơi đây luôn lạc quan, luôn nhìn vào mặt tích cực để phát triển. Bản thân tôi cho rằng những quốc gia phát triển cũng phải học điều này.

Ông có nhận xét gì khi người ta cho rằng, nếu Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng dùng số tiền tổ chức VinFuture để hỗ trợ cho Việt Nam thì sẽ tốt hơn cho chính đất nước mình đang sống và kinh doanh?

Tôi nghĩ rằng, có nhiều đóng góp quan trọng thúc đẩy niềm hy vọng và sự tiến bộ có thể diễn ra ở bất kỳ quốc gia nào. Ví dụ, đất nước Thụy Điển rất tự hào về các giải thưởng Nobel của mình. Họ tạo ra một quỹ từ thiện lớn, trao giải và tiền thưởng cho những người khác.

Rất ít người Thụy Điển nhận được giải thưởng này. Tuy nhiên, giải thưởng đã có những tác động rất tích cực đến sự phát triển khoa học và công nghệ ở Thụy Điển. Giờ đây, Thụy Điển đã trở thành một quốc gia phát triển kinh tế mạnh dựa nhiều vào khoa học công nghệ. Học sinh trung học và trẻ em ở Thụy Điển cũng quan tâm đến khoa học và công nghệ nhiều hơn.

Tôi có thể nói đây là một thành công lớn và là mô hình tốt, có thể tham khảo.

Khi tham gia giải thưởng này, tôi hiểu được thêm về những điều đang diễn ra xung quanh và trên thế giới. Tôi cũng có thêm một sự lạc quan về việc các nhà khoa học trên thế giới đang kết hợp với nhau. Nó cũng cho thấy khoa học và cong nghệ không phải là đặc quyền chỉ dành cho những nước giàu.

Đây là lần thứ hai ông làm Chủ tịch Hội đồng giải thưởng của VinFuture, so với mùa đầu tiên, ông đánh giá như thế nào về những đề cử năm nay?

Tôi có thể bật mí, năm nay có nhiều đề cử, khám phá bất ngờ sẽ giúp ích cho rất nhiều người. Nhưng tôi sẽ không nói trước ai sẽ thắng giải năm nay đâu, mọi người cần phải chờ đến lễ trao giải nhé (cười).

Thật thú vị khi năm nay chúng tôi nhận được một số lượng đề cử lớn từ các nhà khoa học trên khắp thế giới. Số lượng đề cử, chất lượng đề cử và tính đa dạng của mỗi đề cử đều tăng cho thấy VinFuture đã khẳng định được tên tuổi của mình trên thế giới.

Cũng vì nhận được rất nhiều đề cử thú vị nên hội đồng năm nay đã phải làm việc rất nhiều. Chúng tôi cố gắng tìm cách truyền tải tầm nhìn mà những người sáng lập nên giải thưởng VinFuture mong muốn, tôn vinh sự kết hợp giữa đổi mới, sáng tạo và đem lại lợi ích cho xã hội. Tôi nghĩ rằng nó là một tham vọng tuyệt vời.

Trước đây, ông từng thành lập một vài doanh nghiệp sau đó tập trung cho nghiên cứu khoa học toàn thời gian. Ông làm thế nào để cân bằng giữa việc nghiên cứu và điều hành công ty?

Tôi may mắn khi Đại học Cambridge - nơi tôi làm việc, cho phép các giáo sư toàn thời gian vẫn có thể thành lập công ty. Vì thế, tôi không phải lựa chọn chỉ được làm cái này hay cái kia.

Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture chia sẻ bài học từ giải Nobel
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng Vinfuture

Tôi cùng nhóm nghiên cứu của mình đã thành lập ra công ty để thử nghiệm những bằng sáng chế chúng tôi tìm thấy tại phòng nghiên cứu. Việc này rất phổ biến ở Đại học Cambridge, thậm chí còn giúp ích cho các giáo sư. Mọi người sẽ thấy xung quanh trường đại học sẽ có rất nhiều các công ty khởi nghiệp công nghệ cao. Nếu là ngày xưa, bạn sẽ không được làm như vậy nhưng thời thế nay đã thay đổi rồi (cười).

Vừa là một doanh nhân, vừa là một người nghiên cứu khoa học, theo ông, điểm khác biệt giữa một nhà khoa học và một doanh nhân là gì?

Tôi nghĩ rằng nhà khoa học cũng là doanh nhân. Tôi vẫn phải bán những nghiên cứu khoa học của mình, bởi vì, tôi cần gây quỹ để có kinh phí nghiên cứu khoa học.

Vì vậy, khi nghiên cứu tôi vừa phải quan tâm đến khoa học thuần túy, vừa phải quan tâm xem những nghiên cứu này sẽ ứng dụng như thế nào hay có lợi ích gì. Bởi, xét cuối cùng, tôi cũng cần đem lại ích lợi cho nhà đầu tư.

Tôi không thấy sự khác biệt lớn giữa việc trở thành một nhà nghiên cứu hay một doanh nhân. Nhưng nếu bạn làm nghiên cứu để kinh doanh, bạn sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn một chút. Bạn thực sự cần phải cụ thể hơn, quan tâm xem nghiên cứu của mình sẽ được ứng dụng, khai thác như thế nào và ai sẽ là người sẵn sàng trả tiền cho nó.

Trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình, ông có những trải nghiệm nào giống với các doanh nhân thất bại với khoản đầu tư mạo hiểm hay không?

Có chứ, mọi thứ không phải lúc nào cũng tốt. Trong nghiên cứu khoa học, tôi nghĩ mọi người đều hiểu điều đó.

Nếu tôi là một kỹ sư và tôi chế tạo máy bay, mọi thứ sẽ diễn ra đúng như kế hoạch. Nhưng nếu tôi là một nhà khoa học, nghiên cứu những thứ mới, tôi không thể biết mọi thứ sẽ đi đến đâu. Đôi khi, mọi người sẽ ngạc nhiên vì mọi thứ diễn ra tốt đẹp, tuy nhiên sẽ vẫn có thời điểm mọi thứ không như mong muốn.

Trong giai đoạn đầu khi thành lập công ty, chúng tôi được phép thất bại. Mọi người đừng hy vọng mọi khoản đầu tư đều thành công kể cả khi thất bại cũng không có nghĩa những người làm việc đó không tốt. Rủi ro là một phần cơ bản của các công ty giai đoạn đầu.

Vậy theo ông, sự giống nhau giữa một nhà khoa học vĩ đại và một tỷ phú là gì?

Cả hai đều là người may mắn (Cười).