Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có quyết định về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về an toàn thông tin mạng và cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động của 3 nhà mạng: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile trong thời gian từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/10/2022. Khi cần thiết có thể xem xét số liệu trước hoặc sau thời gian nêu trên.

Thanh tra việc cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng Viettel, MobiFone, Vietnamobile
Mbifone nằm trong diện thanh tra.

Thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc, không tính ngày nghỉ, ngày lễ, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Thành Chung, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng đoàn, thành viên là các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) và các đơn vị thuộc Bộ Công an.

Trước đó, Bộ Công an đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tại các doanh nghiệp viễn thông.

Thời gian qua, tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên, đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã phát hiện 74,178 triệu cuộc gọi phát sinh từ thuê bao spam call (cuộc gọi rác), tăng 53% so với 6 tháng đầu năm 2021 (48.397.470 cuộc). Các doanh nghiệp viễn thông đã chặn 113.416 thuê bao phát tán cuộc gọi rác (tăng 53% so với cùng kỳ 2021).

Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp chặn dịch vụ của SIM có dấu hiệu được sử dụng, tham gia tuyên truyền cho các hành vi vi phạm pháp luật như game bài, cờ bạc, mua bán vật liệu nổ, văn bằng giả… theo đề nghị của Bộ Công an (Cục A05). Các doanh nghiệp đã chặn 1.043 SIM trong tổng số 1.465 (còn 430 SIM đã hủy/chuyển quyền,tái đấu nối, chuyển sang mạng khác).

Bộ cũng đã tổ chức cuộc họp với Bộ Công an (Cục A05) và các doanh nghiệp viễn thông di động (VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamobile) về xử lý các số điện thoại quảng cáo cho các hành vi vi phạm pháp luật và quy trình xử lý các thuê bao có khiếu nại.

Đáng chú ý, cuối tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết luận kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, SIM sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với 7 doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, ITel, Mobicast).

Các sai phạm chủ yếu thuộc lĩnh vực quản lý thông tin thuê bao như: Bán SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; chấp nhận đăng ký thông tin thuê bao bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; quản lý chưa chặt chẽ dẫn tới thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ theo quy định; cá nhân đăng ký rất nhiều SIM…