Thu hồi nợ thuế ước đạt 29.416 tỷ đồng

Ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác quản lý, giao chỉ tiêu thu tối thiểu 80% nợ thuế có khả năng thu và gắn trách nhiệm thu nợ, xử lý nợ đọng cho từng đơn vị. Đồng thời, ngành Thuế cũng xác định số nợ thuế không thuộc diện được gia hạn nộp thuế, người nộp thuế không bị (hoặc ít bị) ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19 để tiến hành đôn đốc, động viên người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ.

Tạm hoãn xuất nhập cảnh với chủ doanh nghiệp nợ thuế
Làm thủ tục kê khai thuế tại đơn vị thuế

Theo báo cáo mới nhất cuả Tổng cục Thuế, lũy kế đến cuối tháng 11/2022, thu hồi nợ thuế ước đạt 29.416 tỷ đồng, đạt 70% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2022. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 26.996 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.420 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng số tiền nợ ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/11/2022 là 126.642 tỷ đồng, tăng 0,5% so với thời điểm ngày 31/10/2022, tăng 10,1% so với thời điểm ngày 31/12/2021, tăng 3 % so với cùng kỳ năm 2021. Theo lý giải của Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ tại thời điểm 30/11/2022 tăng so với thời điểm 31/12/2021 một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kèm theo thiên tai, bão lũ gây ra khó khăn trong sản xuất kinh doanh, một phần do một số lĩnh vực thiếu nguyên vật liệu, chi phí tăng cao, làm ăn thua lỗ nên không có khả năng nộp NSNN đúng hạn. Ngoài ra, tiền phạt, tiền chậm nộp tăng so với thời điểm 31/12/2021 do phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ ngày trên tổng số tiền nợ thuế.

Thời gian qua, ngành Thuế đã luôn chú trọng xây dựng phương án xử lý, thu hồi nợ đọng thuế để có giải pháp thu, xử lý nợ hiệu quả, hợp lý; đảm bảo công tác quản lý, cưỡng chế, thu hồi nợ đọng được đồng bộ, nhất quán, đáp ứng mục tiêu công bằng xã hội giữa các đối tượng nộp thuế trong việc chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Các cục thuế cũng theo dõi chặt chẽ các khoản nợ, nhất là các khoản thuế đã gia hạn; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc ngay từ khi nợ thuế mới phát sinh và thực hiện liên tục đến khi giảm nợ.

Riêng đối với các khoản nợ gia hạn trước khi đến hạn nộp thuế 15 ngày, các cục thuế sẽ gửi thư nhắc đến từng doanh nghiệp để người nộp thuế chuẩn bị sẵn nguồn tiền thuế phải nộp, không để bị động, dẫn đến nợ thuế. Với khoản nợ trên 90 ngày, đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế phù hợp để động viên người nộp thuế nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Đối với các trường hợp nợ lớn, kéo dài, sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, các cục thuế sẽ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng là đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Sử dụng biện pháp “mạnh tay”

Một trong những điểm mới của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 là việc bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Cụ thể, Luật quy định "cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh".

Áp dụng quy định này, nhiều cục thuế đã “mạnh tay” trong việc cưỡng chế nợ thuế và thu được kết quả nhất định. Đơn cử, thời gian qua, Cục Thuế Nghệ An đã có một số thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật các doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Mới đây, tại Hà Tĩnh, đại diện của 11 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này cũng đã bị Cục Thuế Hà Tĩnh sử dụng biện pháp tạm hoãn xuất nhập cảnh vì chưa thực hiện đủ nghĩa vụ nộp thuế. Theo thông tin từ đơn vị này, trong số 11 doanh nghiệp trên có những đơn vị nợ thuế số tiền khá lớn, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký thuế nhưng hằng tháng vẫn kê khai thuế bằng 0. Khi cơ quan Thuế yêu cầu doanh nghiệp phối hợp cung cấp các thông tin để thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước thì doanh nghiệp không hợp tác. Tuy nhiên, ngay sau khi Cục Thuế đề xuất áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là người đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp đã nghiêm túc phối hợp. Điều này cho thấy đây là biện pháp mạnh, kỳ vọng mang lại hiệu quả tích cực cho công tác thu hồi nợ thuế.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, tạm dừng xuất cảnh là biện pháp rất hiệu quả để thu những khoản khó đòi với những doanh nghiệp đã tẩu tán tài sản, biến mất khỏi địa điểm kinh doanh. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật là người quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp và phải có mặt ở Việt Nam hoặc ủy quyền cho người khác khi xuất cảnh. Trong trường hợp doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế thì việc xuất cảnh của họ có ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước (không thực hiện được việc thu thuế) nên nhằm tăng cường hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu ngân sách thì quy định như vậy là cần thiết.

Chuyên gia lưu ý doanh nghiệp nên chủ động thực hiện quy định của pháp luật, tránh các thiệt hại về uy tín, kinh tế nếu có do bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế và biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo Luật Quản lý thuế và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh.