Mới đây tại Hà Nội, Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) đã công bố báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của COVID-19 và xa hơn nữa”.

Theo đó, báo cáo đã chỉ ra một loạt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam liên quan đến COVID-19 và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Theo Giám đốc Chương trình MCSS - TS. Phạm Sỹ Thành, ngành dệt may Việt Nam đã tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động, giải quyết 20% lao động ngành công nghiệp và gần 5% tổng số lao động cả nước.

nganh det may thoi hau covid 19 khong de doanh nghiep dung ngoai cac fta
Toàn cảnh buổi công bố báo cáo

Năm 2019, dệt may là ngành có mức xuất khẩu lớn thứ ba với kim ngạch gần 40 tỷ USD, đóng góp khoảng 15% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sắp tới, khi FTA giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA được đưa vào thực thi, thuế bình quân với hàng may mặc Việt Nam sẽ được giảm từ 12% về 0%.

Nhóm nghiên cứu của MCSS chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 đã có những tác động tiêu cực đối với cả nguồn cung và đầu ra của ngành dệt may. Xét theo các thị trường xuất khẩu chủ chốt, 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 14,9%, thị trường EU giảm 19%.

Khảo sát với hơn 3.100 doanh nghiệp dệt may Việt Nam cho thấy, 4 tháng đầu năm, doanh thu của các doanh nghiệp này đã giảm từ 60 - 80%, tỷ lệ huỷ đơn hàng từ 30 - 70% so với cùng kì 2019. Các thị trường tiêu thụ truyền thống như Mỹ, châu Âu chưa trở lại đã khiến ngành may mặc gần như "ôm trọn" rủi ro kinh doanh.

Tính đến hết tháng 5/2020, xuất khẩu may mặc của Việt Nam đạt 10,56 tỷ USD, giảm hơn 13,6% so với cùng kì năm ngoái. Xét theo các thị trường xuất khẩu chủ chốt, xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 14,9%, thị trường EU giảm 19%. Hai thị trường này đã chiếm tới gần 60% giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Về đầu vào nguyên liệu, đến hết tháng 5, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may và da giày đạt 8,53 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm nhập khẩu này cũng cao hơn nhiều mức giảm 4,6% của toàn bộ ngành kinh tế, phản ánh sự đứt gãy đầu ra tác động tiêu cực thế nào đến nhập khẩu của đầu vào.

Đáng chú ý, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu vẫn đang là điểm nghẽn lớn nhất để cải thiện giá trị cho ngành. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc gần 60% vải, 55% sợi và 45% phụ liệu. Hai thị trường nhập khẩu nguyên liệu chủ chốt chiếm tới 80 - 85% giá trị nhập khẩu nguyên phụ liệu toàn ngành.

Tuy gặp "nguy", nhưng không nhiều doanh nghiệp dệt may được tiếp cận với các giải pháp hỗ trợ. Theo khảo sát dựa trên 3.143 doanh nghiệp dệt may về mức độ thụ hưởng từ các biện pháp hỗ trợ được nêu trong Chỉ thị 11 của Thủ tướng, chỉ có 113 (3,6%) doanh nghiệp đã tiếp nhận được chính sách hỗ trợ. Trong khi đó có tới gần 60% doanh nghiệp đã biết thông tin nhưng vẫn chưa biết đầu mối để tiếp cận.

"Hiện tại, ngành dệt may Việt Nam đang gặp khó khăn về đầu vào, lao động, doanh thu và xuất khẩu. Bên cạnh đó, còn có những rào cản về chính sách, khi quá ít doanh nghiệp dệt may thụ hưởng các giải pháp hỗ trợ cũng như việc khó tiếp cận được các giải pháp hỗ trợ tín dụng", TS. Phạm Sỹ Thành nhấn mạnh.

nganh det may thoi hau covid 19 khong de doanh nghiep dung ngoai cac fta

Về các FTA, tính đến năm 2020, Việt Nam đã ký và có 12 FTA có hiệu lực, 1 FTA đợi phê chuẩn và đang đàm phán 3 FTA khác. Việc ký kết FTA đem lại cho ngành dệt may những ưu thế cạnh tranh xuất khẩu vô cùng to lớn. Cụ thể, thuế suất áp dụng đối với ngành dệt và nguyên liệu với ngành may trung bình là 0 - 5% (trong khi đó theo quy chế của WTO, thuế suất với ngành dệt và nguyên liệu trung bình là 12% và với ngành may mặc là 25%).

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam hiện tại không có chuỗi cung ứng đầy đủ nên rất khó tận dụng lợi thế của các FTA.

Tình trạng ngành dệt may chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu vải còn có lý do từ một số địa phương không tiếp nhận dự án dệt nhuộm vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.

Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), có địa phương còn thẳng thừng từ chối dự án với vốn cam kết lên đến cả trăm triệu USD vì e ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp dệt may trong nước, vì sẽ không thỏa các điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan khi sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Do đó, ông Cẩm kiến nghị Bộ Công Thương cần xây dựng chiến lược ngành dệt may càng sớm càng tốt, quy hoạch các dự án theo địa bàn và phải xử lý, kiểm soát chặt chẽ về môi trường.

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam rất thấp là không tự chủ được vấn đề xuất xứ hàng hóa. Hơn nữa, dù được cho là có lợi ích lớn từ các FTA song các lợi ích này chỉ tồn tại về mặt lý thuyết.

Báo cáo của MCSS cho thấy, tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam chỉ đạt trung bình 30 - 35%, đồng nghĩa với việc Việt Nam chỉ mới tận dụng được 1/3 lợi ích từ các FTA đã có hiệu lực.

Theo đánh giá của MCSS, Việt Nam không dễ dàng tận dụng được ưu đãi của các FTA thế hệ mới như EVFTA hay trước đó là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Lý giải về đánh giá này, MCSS cho rằng, EVFTA có thể mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam có ý định thay đổi chiến lược nguồn cung vì Việt Nam có thể gia tăng nhập nguyên liệu từ những nước đã có FTA với EU để đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện trên thực tế không dễ dàng như vậy bởi giá hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia khác (ví dụ nhập khẩu từ Hàn Quốc) có giá cao hơn 15 - 20% so với nhập khẩu từ Trung Quốc.

nganh det may thoi hau covid 19 khong de doanh nghiep dung ngoai cac fta

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas)

Với thị trường các nước thành viên CPTPP, MCSS cũng nhận định, Việt Nam chưa khai thác được các thị trường tiềm năng trong khối như Mexico, Australia, Newzealand hay Canada. Đặc biệt, Australia và Canada là hai thị trường có quy mô sử dụng hàng dệt may khá lớn, khoảng 10 tỷ USD/năm, trong khi thị phần xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam vào 2 thị trường này còn tương đối nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD/năm.

Bàn về giải pháp giải quyết những khó khăn kể trên, TS. Phạm Sỹ Thành nhấn mạnh, khi EVFTA được phê chuẩn, dệt may Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị tăng thêm cho ngành.

"Để làm được việc đó, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp, Nhà nước cần có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách và cơ cấu thuế, giá phù hợp", TS. Phạm Sỹ Thành nhấn mạnh.

nganh det may thoi hau covid 19 khong de doanh nghiep dung ngoai cac fta

Nỗ lực đưa người lao động trở lại các công xưởng, nhà máy

KTCKVN - Với hơn 1 triệu lao động trong tổng số 4,3 triệu lao động của ngành dệt may và da giày bị mất việc hoàn ...

nganh det may thoi hau covid 19 khong de doanh nghiep dung ngoai cac fta

Tập đoàn Dệt May Việt Nam: "Lệch pha" giữa vị thế và tiềm năng

KTCKVN - Mặc dù doanh thu cao nhưng hiệu quả sinh lời của cổ phiếu VGT - Tập đoàn Dệt May Việt Nam (UpCOM: VGT) còn khá ...

nganh det may thoi hau covid 19 khong de doanh nghiep dung ngoai cac fta

Dòng tiền đón đầu EVFTA đẩy thanh khoản cổ phiếu dệt may tăng mạnh?

Nhóm dệt may là nhóm được dòng tiền chú ý nhất trong tuần qua. KMR, FTM, STK, MSH đều ghi nhận thanh khoản tăng đáng ...