Năm 2022 được coi là năm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, ông đánh giá như thế nào về sự thúc đẩy phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp?

Chúng ta đang ở những ngày cuối cùng của năm 2022, khép lại một năm đầy khó khăn, thách thức của giai đoạn hậu Covid-19, của các biến động lớn trên thị trường toàn cầu, của rủi ro suy thoái kinh tế, của các thách thức an ninh phi truyền thống. Bối cảnh toàn cầu đang có những biến đổi khó lường nên đã và đang tác động tiêu cực và làm chậm tiến trình về đích của các quốc gia để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc theo Chương trình Nghị sự 2030.

Cơ hội mở ra rất lớn cho doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững
Ông Phạm Tấn Công

Nhưng tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự điều hành quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự kiên cường, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất kinh doanh và kinh tế Việt Nam đang về đích với mức tăng trưởng cao, dự báo có thể đạt mức 7-8% trong năm 2022.

Trong đó, các doanh nghiệp đi theo xu hướng phát triển bền vững đang để lại dấu ấn với sự thích ứng và chống chịu cao, bền vững đối với các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại. Minh chứng rất rõ là các doanh nghiệp như vậy không mắc phải những khó khăn, thách thức do vi phạm pháp luật về môi trường, hay vướng vào câu chuyện về trái phiếu, cổ phiếu không minh bạch… Những điều này cho thấy, các doanh nghiệp từ nhà nước đến tư nhân, cũng như khối đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã và đang ngày càng nâng cao nhận thức về phát triển bền vững.

Theo ông, đâu là những thách thức khi doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững?

Phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp phải được xây dựng dựa trên các trụ cột kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường (EESG). Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững nhưng khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều.

Đầu tiên là về nhận thức. Phát triển bền vững là một quá trình lâu dài nên phải thống nhất được nhận thức từ người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp đến từng cán bộ, nhân viên. Chỉ khi đã nhận thức được rồi thì mới thấy sự cần thiết để quyết tâm thực hiện mô hình phát triển bền vững trong doanh nghiệp.

Khó khăn thứ hai là khi thực hiện phát triển bền vững thì phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa kinh doanh trong khi tại không ít doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh mới đang bắt đầu được xây dựng. Chúng ta còn đang thiếu chuẩn chung về văn hóa kinh doanh. Hiện VCCI đang bắt tay xây dựng chuẩn mực đạo đức văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó lấy tinh thần phát triển bền vững là then chốt. Ngoài ra, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực để thực hiện phát triển bền vũng cũng là một câu chuyện còn nhiều khó khăn.

Hiện các doanh nghiệp đang nhận được sự hỗ trợ như thế nào cho định hướng phát triển bền vững, thưa ông?

Các doanh nghiệp Việt Nam có một thuận lợi là Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xác định chiến lược, mô hình phát triển kinh tế Việt Nam là phát triển bền vững. Chúng ta cũng đã thành lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh là tổ chức tham mưu và tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Do đó, với chiến lược này, các bộ, ngành đã xây dựng thể chế để khuyến khích phát triển bền vững. Nhờ thể chế thuận lợi, các doanh nghiệp có cơ hội và điều kiện tốt hơn thực thi chiến lược phát triển bền vững. Hơn nữa, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế cũng lấy đây làm cơ sở để chọn lựa đầu tư vào Việt Nam, giúp nước ta có thêm nguồn lực hỗ trợ cũng như sự chuyển giao, hỗ trợ về kinh nghiệm, kiến thức, mô hình kinh doanh phát triển cho đến những nguồn tài chính hỗ trợ đầu tư phát triển xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Từ năm 2015, VCCI đã giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp Bộ chỉ số Doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI). Bộ chỉ số này được bổ sung và hoàn thiện theo từng năm dựa theo các góc độ đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp từ kinh doanh, môi trường, lao động, xã hội một cách toàn diện… Các tiêu chí trong Bộ chỉ số được xây dựng rất công phu với sự tham gia của các chuyên gia từ các bộ, ngành, chuyên gia quốc tế dựa trên nền tảng luật pháp Việt Nam cũng như các quy định quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Dựa trên những cơ sở này, các doanh nghiệp sẽ có phương hướng và định hướng để xây dựng chiến lược cũng như các kế hoạch kinh doanh đảm bảo phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, VCCI cũng đã tổ chức Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững. Chương trình đã ghi nhận sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác nhau, không phân biệt quy mô và thành phần kinh tế.

Rõ ràng, những chương trình nêu trên đang tạo ra những cơ hội hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp theo xu hướng phát triển bền vững nên điều quan trọng là doanh nghiệp phải thể hiện sự quyết tâm thực hiện cũng như tiếp cận được phương thức thực hiện hợp lý.

Xin cảm ơn ông!