Bộ Tài chính thông tin, cơ quan này đã nhận được nhiều câu hỏi của báo chí đề nghị cho biết kế hoạch nâng hạng thị trường năm nay có khả thi không khi mà thị trường chứng khoán còn diễn biến phức tạp, chỉ số VN-Index đang loay hoay ở mức 1.200 điểm, chỉ bằng thời điểm năm 2018; dự kiến thời gian nâng hạng là khi nào...

Trong thông cáo phát đi vào trưa 4/7, Bộ Tài chính cho biết, nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới.

Bộ Tài chính lên tiếng về vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Thực tế, Bộ Tài chính đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” và dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ được nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi trước 2025.

"Mặc dù nhiều ý kiến chuyên gia đều bày tỏ sự tin tưởng vào việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng, nhưng phải nhấn mạnh rằng, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới. Bởi vì việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng như MSCI, hay FTSE đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này", thông cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Tuy nhiên, theo cơ quan này, trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đó là, khung khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, bao gồm: tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán trên thị trường chứng khoán; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư.

Về hoạt động thực tiễn, cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế của thị trường chứng khoán Việt Nam và có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện thêm.

Mới đây, ngày 24/6/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc với Ngân hàng Thế giới và FTSE Russell để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới.

Bộ Tài chính cho biết thêm, cơ quan này đã đề ra một số giải pháp tiếp tục triển khai nhiệm vụ này trong thời gian tới. Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tích cực trao đổi, thảo luận với các bên liên quan về các chính sách, thực tiễn thị trường và các giải pháp liên quan.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ chủ động trao đổi với các cơ quan bộ ngành, hiệp hội, thành viên thị trường và các nhà đầu tư, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tháo gỡ các vấn đề rất quan trọng liên quan nhằm được nâng hạng như: tỷ lệ sở hữu nước ngoài hay một số quy định trên thị trường ngoại hối…

Ngoài ra, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư 2020, đặc biệt là các nội dung về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường công khai, minh bạch về tỷ lệ sở hữu nước ngoài để nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời; nghiên cứu và đưa chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) vào thị trường giao dịch; tập trung hoàn thiện, vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường chứng khoán; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán...

Hiện nay, các quy định hiện hành đã được sửa đổi theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng công nghệ trên thị trường, theo đó, một trong những điểm nổi bật là cho phép đăng ký mã số giao dịch trực tuyến.

Đặc biệt, mới đây nhất, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng đã lấy ý kiến về dự thảo quy chế thay thế Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và quy chế thành viên lưu ký. Dự kiến trong tháng 8 tới, thời gian thanh toán, bù trừ chứng khoán sẽ được rút ngắn, nhà đầu tư có thể được giao dịch ngay trong chiều ngày T+2.

Hồi tháng 1/2022, đại diện Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đánh giá năm 2022 đang mở ra cơ hội nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc nâng hạng thị trường chỉ là câu chuyện của thời gian, bởi vì nếu xét về mặt định lượng, quy mô thị trường rồi vốn hóa, thanh khoản, thị trường chứng khoán Việt Nam đều đáp ứng được các tiêu chí về định lượng.

Tuy nhiên, phát biểu trên diễn ra trong bối cảnh VN-Index giao dịch quanh mốc 1.500 điểm, thanh khoản thị trường phổ biến ở mức 25.000 - 30.000 tỷ đồng/phiên, ngày cao nhất lên tới 41.000 tỷ đồng. Hiện nay (tháng 6/2022) VN-Index quanh mức 1.200 điểm, thanh khoản 11.000 - 12.000 tỷ đồng, ngày cao nhất 16.000 tỷ đồng.