VEAM sắp trả cổ tức còn lại năm 2020, Bộ Công Thương sẽ nhận thêm hơn 500 tỷ đồng

Cập nhật: 10:20 | 01/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Tháng 11 tới, VEAM dự kiến trả cổ tức tiền mặt còn lại của năm 2020 theo ý kiến của Bộ Công Thương.

1927-veam-2
VEAM sắp trả cổ tức còn lại năm 2020, Bộ Công Thương sẽ nhận thêm hơn 500 tỷ đồng

Hội đồng quản trị Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM - Mã: VEA) vừa thông qua nghị quyết chi trả cổ tức bằng tiền mặt từ lợi nhuận còn lại của năm 2020 với tỷ lệ 4,627% (462,7 đồng/cổ phiếu). Việc chi trả cổ tức được thực hiện theo ý kiến của Bộ Công Thương.

Ngày chốt danh sách cổ đông 13/10, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 12/10. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 15/11/2021.

Với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VEAM sẽ chi gần 615 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Trong đó, với việc nắm 88,47% vốn điều lệ, Bộ Công Thương sẽ nhận về khoảng 544 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 8, VEAM đã chi hơn 6.630 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 49,9% (4.990 đồng/cổ phiếu). Lúc đó, Bộ Công Thương đã nhận về khoảng 5.866 tỷ đồng. Như vậy, tổng tổng tỷ lệ cổ tức VEAM chia trong năm 2020 hơn 7.245 tỷ đồng.

Hồi đầu năm, VEAM đã chi hơn 6.970 tỷ đồng thanh toán cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 52,29%. Tỷ lệ cổ tức năm 2018 cũng ở mức 38,84% bằng tiền mặt.

Về kết quả kinh doanh, VEAM ghi nhận mức tăng trưởng khá trong nửa đầu năm. Động lực tăng trưởng đến cả từ hoạt động kinh doanh chính và phần lãi từ các công ty liên kết.

Được biết VEAM hiện sở hữu lượng cổ phần lớn tại ba đơn vị liên doanh gồm Honda Việt Nam, Ford Việt Nam và Toyota Việt Nam. Đây đều là doanh nghiệp được ví như “con gà đẻ trứng vàng” thường xuyên chi trả các khoản cổ tức lớn cho VEAM.

Theo báo cáo hợp nhất, lãi từ công ty liên doanh liên kết tăng trưởng 45% so với cùng kỳ, đạt 2.813 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh cũng tăng 16% lên 2.044 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tăng giúp lợi nhuận gộp nửa đầu năm cao gấp rưỡi cùng kỳ. Do đó, dù doanh thu tài chính hụt đi phần nào do mặt bằng lãi suất tiền gửi trên thị trường giảm đi đáng kể, lợi nhuận hợp nhất của VEAM vẫn tăng 39% lên 3.155 tỷ đồng.

Dù vậy, nếu chỉ tính riêng công ty mẹ, lợi nhuận của VEAM giảm 20%, từ 6.398 tỷ đồng nửa đầu năm 2020 xuống còn 5.125 tỷ đồng kỳ này. Nguyên nhân bởi cổ tức và lợi nhuận được chia từ các đơn vị có vốn góp của VEAM cùng lãi tiền gửi ngân hàng đều giảm.

Tại ĐHĐCĐ năm 2021, Công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu của công ty mẹ đạt 1.116 tỷ đồng, tăng 151% so với thực hiện năm 2020. Theo VEAM, nguyên nhân doanh thu được dự báo tăng là do trong năm Công ty sẽ tăng cường cung cấp vật tư đầu vào cho các đơn vị có vốn của VEAM.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch cuối tháng 9 (30/9), cổ phiếu VEA giảm nhẹ 200 đồng xuống mức 41.500 đồng/cổ phiếu.

1532-vea-1
Diễn biến giá cổ phiếu VEA từ đầu năm tới nay.
Tin tức doanh nghiệp nổi bật ngày 1/10/2021: APS, DLG, TGG, KHG, NVL

Cập nhật kết quả kinh doanh, tình hình hoạt động, thông tin phát hành cổ phiếu, thông tin trả cổ tức và tin tức giao ...

Vì đâu chứng khoán Mỹ rực đỏ ngày cuối tháng 9, Dow Jones thủng mốc 34.000?

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 30/9 đồng loạt đi xuống giữa nhiều lo ngại về lạm phát, chuỗi cung ứng và thị trường ...

Những nhóm ngành nào tiếp tục tăng trưởng bất chấp dịch bệnh?

Theo Tổng cục Thống kê (GSO), ba nhóm ngành dịch vụ gồm y tế, tài chính - ngân hàng, thông tin và truyền thông vẫn ...

Hoàng Quyên

Tin liên quan