VDSC: Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ gặp khó đến quý IV/2021

Cập nhật: 11:20 | 24/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo cập nhật ngành thủy sản, theo đó công ty này nhận định tác động của giãn cách xã hội sẽ thấy rõ từ tháng 8 trở đi.

Dệt may TNG sắp phát hành gần 6,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 8%

Tin tức doanh nghiệp nổi bật ngày 24/8/2021: TIX, DCL, MSN, TGG, VOS, PVI

1643-thyy-syn
(Ảnh minh họa)

VDSC cho rằng triển vọng nguồn cung vốn đã khó khăn đối với ngành thủy sản Việt Nam càng thêm phức tạp do các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Trong đó, nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã phải đóng cửa, và những nhà máy có thể tiếp tục hoạt động phải giảm công suất hoạt động, đồng thời phải thực hiện “3 tại chỗ” và xét nghiệm nhanh COVID-19 thường xuyên với các công nhân tại nhà máy.

Theo VASEP, trong tháng 7/2021, giá trị xuất khẩu thủy sản đã giảm 4% so với cùng kỳ sau khi tăng 15% và đạt 4,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021.

Bên cạnh đó, số lượng nhân viên chỉ chiếm 30% - 50% mức bình thường đã gây ra sụt giảm công suất từ 50% đến 60% công suất sản xuất. Theo Undercurrent News, sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã giảm khoảng 18% so với tháng trước trong tháng 7.

Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được "3 tại chỗ" lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.

Song thực tế nhiều doanh nghiệp thủy sản niêm yết vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khả quan trong tháng 7 như CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC)CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), với mức tăng lần lượt là 21% và 9% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, điều này được lý giải là do các công ty đầu ngành có đủ nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất dù công suất thấp hơn bình thường, cùng với đó là độ trễ thông thường của hàng tồn kho khoảng một tháng giúp các doanh nghiệp có đủ hàng xuất khẩu trong nửa cuối tháng 7.

1605-thyy-syn-1
(Nguồn: VDSC)

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 264 triệu USD, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7 và giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng xuất khẩu cá tra nửa đầu tháng 8 đã giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ.

Do đó, báo cáo chỉ ra rằng các công ty thủy sản sẽ bắt đầu chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh kể từ tháng 8 trở đi. VDSC cũng lo ngại rằng sự sụt giảm này có thể diễn ra tiếp tục vào quý IV do các ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) trước đó cũng đã đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng kim ngạch xuất khẩu trong cả tháng 8 của ngành thủy sản sẽ giảm mạnh so với những tháng trước và giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng với ngành hàng cá tra sẽ bị tổn thất mạnh nhất vì hơn nửa sổ nhà máy cá tra bị ngừng hoạt động trong thời gian qua. Trong khi đó xuất khẩu tôm và cá ngừ có thể giảm ít hơn so với cá tra.

Hiện các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản tập trung khá nhiều ở TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ nên chắc chắn cũng giảm mạnh so với tháng trước và so với tháng 8/2020, VASEP nhận định.

Tựu chung lại, VDSC cho rằng triển vọng xuất khẩu của ngành thủy sản trong nửa cuối năm nay tương đối kém khả quan. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giúp các doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường trong nửa cuối năm nay, thì các chuyên gia nhận định ngành thủy sản sẽ tích cực hơn trong năm 2022...

Thu Thủy

Tin cũ hơn
Xem thêm