Theo báo cáo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn thành phố có 20 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài với khoảng 6.000 hội viên đến từ các quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc.. Trong thời gian qua, các hiệp hội đã có nhiều đóng góp vào sự hợp tác chung, là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài với Việt Nam. Đồng thời, thông qua các hiệp hội cũng tham gia phản biện, xây dựng chính sách pháp luật, góp phần quan trọng vào quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng bền vững.

TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài
Sở Công Thương gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài

Để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, thời gian qua TP. Hồ Chí Minh đã liên tục đổi mới, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2022, TP. Hồ Chí Minh thu hút 693 dự án với tổng số vốn đạt 444 triệu USD, 135 dự án điều chỉnh với số vốn tăng thêm đạt 1,55 tỷ USD; số lượt vốn góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt 1,43 tỷ USD. Điều này thể hiện niềm tin của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và minh chứng cho sức hút môi trường đầu tư của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục giấy tờ liên quan đến hoạt động của các hiệp hội. Theo đó, vấn đề được nhiều hiệp hội nước ngoài quan tâm là giấy phép sử dụng lao động nước ngoài còn nhiều bất cập; doanh nghiệp chưa được cập nhập thông tin về các thủ tục giấy tờ hoạt động của các hiệp hội nước ngoài; vướng mắc về thủ tục xin cấp con dấu...

Trả lời về vấn đề giấy phép sử dụng lao động, bà Trần Lê Thanh Trúc - Trưởng phòng Việc làm và an toàn lao động - Sở lao động Thương binh Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện có khoảng 30.000 lao động nước ngoài được cấp phép làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi năm, Sở nhận khoảng 15.000 - 18.000 hồ sơ lao động nước ngoài xin cấp phép.

Từ phía các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Đối với người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động, sau khi được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Minh Tú khẳng định việc sửa đổi Nghị định 08 của Chính phủ (2008) là cần thiết để kéo dài thời gian hoạt động của các hiệp hội nước ngoài chứ không giới hạn 3 năm như hiện nay. Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ có báo cáo với UBND thành phố để tiếp tục kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định này.

TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài
Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh và Phòng Thương mại Ý (ICHAM) đã ký biên bản ghi nhớ (MOU)

Cũng tại chương trình, Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) và Phòng Thương mại Ý (ICHAM) đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm hỗ trợ và thúc đẩy cho doanh nghiệp hội viên hai bên cùng hợp tác phát triển trên các lĩnh vực liên quan.

Cụ thể trong các hoạt động chia sẻ thông tin, kết nối giao thương, tổ chức các hoạt động dành cho hội viên của hai bên. Đặc biệt trong hội chợ HAWA Expo 2023 do HAWA phối hợp với Sở Công Thương tổ chức, ICHAM sẽ đóng vai trò là đối tác kỹ thuật để cùng phối hợp trong công tác tổ chức hội chợ.