Thực trạng ở SAM Holdings - doanh nghiệp “già nhất” thị trường chứng khoán

Cập nhật: 19:03 | 26/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Việc giá cổ phiếu SAM liên tục lập đỉnh hầu như chỉ dựa trên kỳ vọng việc đưa công ty con lên sàn. Nếu trong thời gian tới, không có thêm những thông tin tích cực từ hoạt động kinh doanh của SAM Holdings cũng như công ty con Samland, đà tăng của cổ phiếu khó bền vững.

Lãi ròng quý III tăng 19% nhờ hoạt động tài chính

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 vừa công bố, CTCP SAM Holdings (HOSE: SAM) ghi nhận doanh thu thuần giảm 27% so với cùng kỳ xuống còn 382 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn giảm nhẹ hơn khiến lãi gộp lao dốc 79%, chỉ còn hơn 7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 99 tỷ đồng - gần gấp đôi cùng kỳ. Biến động này chủ yếu đến từ lãi bán các khoản đầu tư và doanh thu hoạt động tài chính khác.

Tại thời điểm cuối tháng 9, chứng khoán kinh doanh của SAM ghi nhận hơn 193 tỷ đồng - gấp gần 3 lần hồi đầu năm trong đó SAM đang đầu tư các mã cổ phiếu lớn như VHM, FPT, HSG, HPG, HCM và 3 cổ phiếu ngành ngân hàng là ACB, CTG, STB (đầu năm không ghi nhận các khoản đầu tư này).

0212-sam-2
Chứng khoán kinh doanh của SAM tính đến 30/9/2021 (Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/21021 của SAM)

Khấu trừ đi các khoản chi phí và thuế, SAM báo lãi ròng quý III/2021 tăng 19% đạt gần 49 tỷ đồng. Theo giải trình của SAM, nguyên nhân chủ yếu là do lãi hoạt động tài chính.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, SAM ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ xuống còn 1.281 tỷ đồng. Ngược lại, lãi ròng tăng 26% đạt gần 59 tỷ đồng. So với kế hoạch được cổ đông giao phó. Như vậy, công ty hiện mới thực hiện được 39% chỉ tiêu tổng doanh thu và 46% chỉ tiêu lãi trước thuế 2021.

Tại thời điểm 30/09/2021, tổng tài sản của SAM ghi nhận hơn 7.200 tỷ đồng - tăng 27% so với hồi đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 9% lên gần 1.643 tỷ đồng.

Xét về cơ cấu nợ, dư nợ vay dài hạn của SAM tăng vọt lên mức 747 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm và dư nợ vay ngắn hạn tăng 85%, lên gần 587 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tính đến cuối tháng 9 ghi nhận hơn 2.697 tỷ đồng - tăng 23%.

Cổ phiếu tăng nhiệt nhờ tin niêm yết công ty con

Trên thị trường chứng khoán, kể từ cuối tháng 8 tới nay, cổ phiếu SAM liên tục tăng giá, nhiều phiên giao dịch gần đây tăng trần với dư mua khối lượng lớn.

Từ 26/8 đến 26/10/2021, cổ phiếu SAM tăng hơn 90% lên 19.500 đồng/cổ phiếu trong đó 2 tuần trở lại đây và có dấu hiệu tăng nước rút với thanh khoản kỷ lục hàng triệu đơn vị.

0231-sam-3

Ngoài việc thuộc nhóm ngành đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư hiện nay là bất động sản, thông tin đáng chú ý nhất tại SAM Holdings trong thời gian gần đây là việc các công ty con liên tục huy động vốn thành công và có kế hoạch đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn.

Được biết, từ ngày 4/8 - 6/9/2021, CTCP Địa ốc Sacom (Samland), công ty con của SAM Holdings đã chào bán thành công cho cổ đông hiện hữu để nâng vốn điều lệ từ 443,46 tỷ đồng lên 776,03 tỷ đồng. Sau đợt phát hành, tỷ lệ sở hữu của SAM Holdings tại Samland được nâng từ 74,99% lên 85,71%.

Theo kế hoạch, trong tổng số hơn 332 tỷ đồng thu về từ đợt tăng vốn này, Samland dự dùng 167,2 tỷ đồng đầu tư phát triển Dự án Khu dân cư tại xã Long Tân và xã Phú Hội huyện Nhơn Trạch (diện tích 55,2 ha); 123 tỷ đồng trả nợ Ngân hàng Việt Á và 42 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn.

Trước đó, đại hội cổ đông thường niên 2021 của Samland, tổ chức vào tháng 4, đã thông qua hai nội dung quan trọng là huy động vốn (thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu) và đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HOSE.

Trong tháng 6/2021, Samland đã phát hành 237,5 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 24 tháng với lãi suất 10,5%/năm và đến tháng 9 tiếp tục phát hành 33,25 triệu cổ phiếu để huy động 332,5 tỷ đồng. Với động thái đẩy mạnh huy động vốn và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư đang dự đoán, Công ty sẽ sớm thực hiện lời hứa với cổ đông khi đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết.

Tính tới 30/9/2021, Samland ghi nhận tài sản dở dang dài hạn 515,4 tỷ đồng - chiếm 41% tổng tài sản trong đó 389,2 tỷ đồng là chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang tại Dự án Khu dân cư Nhơn Trạch (quy mô 55,2 ha, triển khai từ 2018 - 2025); 126,2 tỷ đồng tại Dự án Chung cư Samland Riverside (diện tích 1.798,4 m2 gồm 2 tầng hầm, 3 tầng thương mại dịch vụ văn phòng, 19 tầng căn hộ chung cư với 138 căn hộ).

Theo chia sẻ của lãnh đạo Samland tại đại hội cổ đông 2021, năm nay, công ty đặt mục tiêu hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý, thiết kế của dự án Nhơn Trạch (quy mô diện tích 55,2 ha); thực hiện các thủ tục pháp lý tại dự án Samland Riverside và tìm thêm ít nhất một quỹ đất khả thi để đầu tư. Như vậy, hầu hết các dự án Samland đang trong quá trình triển khai.

Việc tích cực huy động vốn có thể giúp Samland đẩy nhanh quá trình triển khai và ghi nhận lợi nhuận đột biến trong thời gian tới.

“Mẹ già chờ con”…

Thực tế cho thấy, khi các công ty mẹ đưa cổ phiếu công ty con lên sàn, thị trường thường đón nhận tích cực và thực hiện tái định giá công ty mẹ theo công ty con.

Chẳng hạn, trước khi CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (MCM) đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM vào ngày 18/12/2020, cổ phiếu công ty mẹ là CTCP GTNfoods (mã GTN) đã có chuỗi tăng rất tích cực. Tính từ 23/3/2020 đến 18/12/2020, cổ phiếu GTN tăng 117%, lên 28.150 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) liên tục tăng mạnh nhờ thông tin công ty con - CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS) sớm niêm yết sàn HNX. Cụ thể, từ 26/11/2020 đến 3/6/2021, cổ phiếu DXG tăng 111% lên 25.130 đồng/cổ phiếu trước khi cổ phiếu DXS niêm yết vào ngày 15/7/2021…

Nhìn chung, khi công ty mẹ đưa cổ phiếu của công ty con lên niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ tạo cơ hội cho công ty mẹ định giá lại tài sản theo giá thị trường, từ đó giúp các cổ phiếu có nhịp tăng mạnh.

Trở lại với hoạt động kinh doanh của Samland – công ty con của SAM Holding, trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận doanh thu gần 12,1 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 0,83 tỷ đồng, lần lượt tương đương 19,9% và 7,7% mức thực hiện trong cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, với việc đang đồng bộ triển khai hai dự án bất động sản lớn, lợi nhuận của Samland sẽ phụ thuộc vào tiến độ hai dự án cũng như quá trình bán hàng và thời điểm hiện tại đang hơi sớm để dự báo lợi nhuận.

Từng là một trong hai cổ phiếu đầu tiên lên niêm yết trên thị trường chứng khoán, SAM dần lu mờ trên thị trường chứng khoán cùng với hiệu quả kinh doanh đi xuống.

Từ năm 2019 tới nay, SAM tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp, với ba trụ cột kinh doanh chính là: xây dựng, kinh doanh bất động sản; đầu tư tài chính và lĩnh vực khác; cáp và vật liệu viễn thông. Trong khi mảng bất động sản, cụ thể là tại công ty con đang suy giảm về hiệu quả kinh doanh thì mảng sản xuất dây và cáp viễn thông cũng không tích cực hơn. Hiện SAM Holdings sở hữu 2 nhà máy sản xuất dây và cáp viễn thông tại Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai.

Trong năm 2021, giá các nguyên liệu cơ bản như đồng, thép, nhôm… đều liên tục lập đỉnh, ảnh hưởng không nhỏ tới biên lợi nhuận của SAM trong tương lai gần.

Nằm trong vùng tâm dịch phía Nam, có thể thấy, hai mảng kinh doanh chính của SAM Holdings là bất động sản và sản xuất cáp đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Tăng giá bằng “niềm tin”

Việc giá cổ phiếu SAM liên tục lập đỉnh hầu như chỉ dựa trên kỳ vọng việc đưa công ty con lên sàn. Nếu trong thời gian tới, không có thêm những thông tin tích cực từ hoạt động kinh doanh của SAM Holdings cũng như công ty con Samland, đà tăng của cổ phiếu khó bền vững.

Đáng chú ý, lịch sử cho thấy, nhiều cổ phiếu tăng giá nhờ kỳ vọng vào kế hoạch cổ phiếu của công ty con lên sàn sau đó đều đảo chiều khi kế hoạch thực sự diễn ra. Cổ phiếu GTN là một ví dụ. Sau khi cổ phiếu MCM lên giao dịch trên UPCoM, thị giá GTN đã giảm liên tục về đáy 19/7/2021 là 15.650 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu DXG điều chỉnh mạnh sau ngày DXS lên niêm yết, đóng cửa phiên 19/10/2021 ở 21.400 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm khoảng 18% so với vùng đỉnh xác lập vào ngày 3/6/2021.

Đức Bình

Theo dautu.kinhtechungkhoan.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm