Tập đoàn FLC chào bán 500 triệu cổ phiếu, rót vốn vào hàng loạt dự án bất động sản

Cập nhật: 11:09 | 08/10/2021 Theo dõi KTCK trên

500 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC dự kiến phát hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 11% so với thị giá hiện nay.

0707-trynh-vyn-quyyt
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Hội đồng quản trị của CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) vừa cập nhật phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, khối lượng chào bán dự kiến là xấp xỉ 497 triệu đơn vị, tương đương với 70% số cổ phiếu FLC đang lưu hành.

Giá chào bán dự kiến ngang mệnh giá 10.000 đồng/cp. Nếu bán được 100% kế hoạch, Tập đoàn FLC sẽ thu về khoảng 4.970 tỷ đồng. Theo đó, lượng cổ phần niêm yết sẽ vượt mức 1,2 tỷ đơn vị; vốn điều lệ của FLC dự kiến tăng từ gần 7.100 tỷ đồng lên gần 12.070 tỷ đồng.

Về kế hoạch sử dụng vốn, Tập đoàn FLC dự kiến sẽ chi khoảng 4.500 tỷ đồng vào loạt dự án bất động sản như:

- Khu đô thị tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long (giai đoạn 1 và 2): 800 tỷ đồng

- Trung tâm hội nghị, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình: 1.050 tỷ đồng

- Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2: 150 tỷ đồng

- Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại số 29 Nguyễn Văn Cừ, phường Ia Kring, TP Pleiku, Gia Lai: 240 tỷ đồng

- Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố tại đường Trường Chinh, phường Trường Chinh, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum: 510 tỷ đồng

- Sân golf Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai;

- Khu nhà ở mật độ cao Hiệp Thành – Vĩnh Trạch Đông: 1.100 tỷ đồng

Còn lại khoảng 497 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động cho tập đoàn.

Theo FLC, tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu là 70% phần vốn huy động để thực hiện dự án, tương đương số tiền tối thiểu thu được từ đợt chào bán là 3.150 tỷ đồng.

Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ được niêm yết bổ sung tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Tập đoàn FLC hiện có 710 triệu cổ phiếu đang lưu hành, giá kết phiên 7/10 là 11.250 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa xấp xỉ 8.000 tỷ đồng.

Mức giá chào bán dự kiến (10.000 đồng/cp) thấp hơn khoảng 11% so với thị giá hiện tại. Nếu chào bán thành công 100%, FLC sẽ có hơn 1,2 tỷ cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

5751-flc-2
Diễn biến giá cổ phiếu FLC từ đầu năm tới nay.

Hành trình tăng vốn của Tập đoàn FLC từ 18 tỷ đồng đến mục tiêu vượt 12.000 tỷ đồng

Ngày 6/2/2010, Công ty cổ phần FLC phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ từ 18 tỷ đồng ban đầu lên 25 tỷ đồng.

Chỉ hai ngày sau, vào 8/2/2010, FLC thông qua một phương án phát hành riêng lẻ khác và đến ngày 28/3/2010, vốn điều lệ của FLC chính thức tăng lên 100 tỷ đồng.

Ngày 1/10/2010, FLC hoàn tất phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tiếp tục nâng vốn lên thành 170 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết là người giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của FLC từ ngày 31/8/2010 đến nay.

Theo báo cáo thường niên năm 2010, ông Quyết sở hữu 1,76% vốn điều lệ của FLC. Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) góp 5,88% vốn. SSIAM là công ty con của CTCP Chứng khoán SSI do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch HĐQT.

Ngày 1/4/2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra văn bản chấp thuận cho Tập đoàn FLC trở thành công ty đại chúng.

Từ năm 2012 đến tháng 2/2018, Tập đoàn FLC đã 7 lần tăng vốn điều lệ thông qua phát hành để trả cổ tức, phát hành để hoán đổi trong các thương vụ sáp nhập, phát hành riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu …

Lần gần đây nhất FLC tăng vốn điều lệ lên 7.100 tỷ đồng là vào tháng 8/2018 thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 4%.

5528-flc-1
(Nguồn: Tổng hợp từ FLC)

Về tình hình kinh doanh, trong quý II vừa qua, tuy doanh thu giảm nhưng CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) vẫn có lãi sau thuế 22 tỷ đồng, trái ngược với số lỗ gần 900 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Kết quả khả quan này đạt được là nhờ doanh thu hoạt động tài chính 455 tỷ đồng.

Quý II/2021 cũng là quý có lãi thứ 4 liên tiếp của Tập đoàn FLC sau khi thua lỗ trong quý I và II/2020.

Lũy kế nửa đầu năm 2021, FLC báo lãi sau thuế gần 65 tỷ đồng trong khi 6 tháng đầu năm ngoái lỗ 2.790 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận gần 600 tỷ đồng, trong đó lãi tiền gửi và tiền cho vay là gần 190 tỷ, thanh lý các khoản đầu tư 410 tỷ đồng. Chi phí lãi vay phải trả trong 6 tháng là 141 tỷ đồng, ít hơn tiền lãi cho vay mà FLC thu về.

Trong nửa đầu năm nay, dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát đợt 3 vào giai đoạn cao điểm Tết Tân Sửu và đợt 4 từ cuối tháng 4 đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Với việc tách riêng kết quả kinh doanh của Bamboo Airways khiến cho doanh thu hợp nhất của FLC đi xuống nhưng có thể coi là tác động tích cực với lợi nhuận.

Chốt lời 15 triệu cổ phiếu NKG, CEO Võ Hoàng Vũ không còn là cổ đông lớn của Thép Nam Kim

Kết thúc thời gian đăng ký giao dịch, cổ phiếu NKG lập đỉnh lịch sử 48.300 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này, Tổng ...

Tin tức doanh nghiệp nổi bật ngày 8/10/2021: VCG, LCG, TVS, SSI, CBS

Cập nhật kết quả kinh doanh, tình hình hoạt động, thông tin phát hành cổ phiếu, thông tin trả cổ tức và tin tức giao ...

Chứng khoán Mỹ bật tăng khi Quốc hội nâng trần nợ ngắn hạn

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 7/10 tăng trên diện rộng sau khi Lãnh đạo Đảng Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer cho biết ...

Hồng Giang

Tin liên quan