Những chính sách mới áp dụng từ mùa Đại hội cổ đông 2021

Cập nhật: 05:59 | 26/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 mới đây đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mà các doanh nghiệp cũng như cổ đông cần chú ý kể từ mùa đại hội năm 2021.

Quy định mới mùa đại hội 2021

Tăng thẩm quyền cho cổ đông còn 5%

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn, Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 về quyền cổ đông phổ thông quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có một số quyền đặc biệt hơn, bỏ yêu cầu về thời gian nắm giữ liên tục 6 tháng. Tỷ lệ này ở Luật Doanh nghiệp 2014 là 10% và yêu cầu phải nắm giữ liên tục 6 tháng.

Về các quyền của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% trở lên, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung quyền xem xét, tra cứu, trích lục các hợp đồng giao dịch phải được hội đồng quản trị thông qua nhưng bỏ quyền yêu cầu triệu tập họp khi nhiệm kỳ của hội đồng quản trị cũ đã quá 6 tháng mà chưa được bầu lại. Đối với quyền yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết Đại hội cổ đông, Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ yêu cầu tỷ lệ sở hữu 5%.

Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2020 về sổ đăng ký cổ đông quy định cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục, sao chép tên và địa chỉ liên lạc của cổ đông công ty trong sổ đăng ký cổ đông.

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cổ đông phổ thông có quyền xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết. Luật mới quy định cụ thể thông tin mà cổ đông được xem xét, tra cứu là “tên và địa chỉ liên lạc”.

Bổ sung thẩm quyền của Đại hội cổ đông

Luật mới bổ sung 3 quyền của đại hội đồng cổ đồng gồm: Quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho hội đồng quản trị, ban kiểm soát; phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động hội đồng quản trị, ban kiểm soát; phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết.

Đối với giao dịch với bên có liên quan, Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất với cổ đông sở hữu từ 51% cổ phần hoặc người có liên quan của cổ đông đó phải được Đại hội cổ đông chấp thuận. Luật Doanh nghiệp 2014 không có quy định này.

Điều 143 Luật Doanh nghiệp 2020 về mời họp Đại hội cổ đông quy định thông báo mời họp phải được gửi kèm theo các tài liệu: Chương trình họp, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp; phiếu biểu quyết.

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định thông báo mời họp phải được gửi kèm theo các tài liệu như trên kèm theo mẫu chỉ định đại diện theo ủy quyền dự họp.

Ngoài ra, điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020 về điều kiện tiến hành họp Đại hội cổ đông quy định cuộc họp được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì thông báo mời họp lần thứ hai phải được gửi trong thời hạn 30 ngày nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Trường hợp vẫn không đủ điều kiện thì cuộc họp lần thứ 3 được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cuộc họp Đại hội cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Điều kiện thông qua nghị quyết đại hội

Điều 148, Luật Doanh nghiệp 2020 về điều kiện để nghị quyết Đại hội cổ đông được thông qua quy định các nội dung về loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác; tổ chức lại, giải thể công ty; vấn đề khác do điều lệ công ty quy định cần tỷ lệ 65% tán thành để được thông qua.

Cơ bản, các nội dung khác sẽ cần tỷ lệ tán thành là trên 50% để được thông qua. Trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì phải được trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu.

Đối với các nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi, chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành. Nếu lấy ý kiến bằng văn bản, cũng cần tỷ lệ là 75% tán thành.

Lãnh đạo DIC Corp tích cực gom mạnh cổ phiếu DIG trước ĐHCĐ bất thường

CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân vừa mua vào 7,5 triệu cổ phiếu của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC ...

Bản tin tài chính ngân hàng 23/11: Kienlongbank chuẩn bị họp ĐHCĐ bất thường

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 23/11/2020 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung ...

Eximbank hoãn đại hội cổ đông thường niên phòng dịch Covid-19

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank - Mã: EIB) vừa có thông báo về việc hoãn tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ...

Quốc Trung T/H

Tin cũ hơn
Xem thêm