MSB: Nắm giữ cổ phiếu BSR của Lọc hóa Dầu Bình Sơn với giá mục tiêu 27.200 đồng/cp

Cập nhật: 11:05 | 05/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Năm 2021, CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) ghi nhận doanh thu và Lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 101.080 tỷ đồng và 6.941 tỷ đồng, tăng 74% và 343% so với 2020. Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFF và so sánh hệ số PE, EV/EBITDA, CTCK MB định giá trị cổ phiếu BSR được xác định ở mức 27.200 đồng/cp.

5847-67890-1266-1609134062
CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR). Hình minh họa.

Kết quả kinh doanh Lọc hóa Dầu Bình Sơn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021

Sản lượng sản xuất và bán hàng tăng tốt: Sản lượng sản xuất đạt 6,53 triệu tấn, trong khi sản lượng bán hàng đạt 6,42 triệu tấn, tăng 9% so với 2020 nhờ hiệu suất hoạt động cao và thị trường tiêu thụ thuận lợi, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm và quý 4/2021.

Lợi nhuận cao nhất trong 5 năm qua: Doanh thu đạt 101.080 tỷ đồng, tăng mạnh 74% nhờ sản lượng bán hàng tăng và đặc biệt là giá dầu tăng 65% trong kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.941 tỷ đồng, tăng mạnh 343% so với mức lỗ 2.843 tỷ đồng của năm 2020. Lợi nhuận tăng cao nhờ biên lợi nhuận gộp trong kỳ được cải thiện, công ty cũng linh hoạt tập trung sản xuất các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn và biên lợi nhuận cao (Xăng A95, A92, FO, PP), trong khi hạn chế sản xuất sản phẩm có biên lợi nhuận kém (DO/JETA1).

5535-aynh-chuyp-mayn-hiynh-2022-04-05-104344

Biên lợi nhuận gộp các sản phẩm đã hồi phục trở lại trong năm, đến Q4.2021, sản phẩm nhiên liệu bay JetA1 và dầu DO đã có mức lợi nhuận gộp Dương (+) trở lại. Đối với các sản phẩm chủ lực khác, biên lợi nhuận xăng A92 tăng từ -4,3% của năm 2020 lên 10,1%, xăng A95 từ -6,9% lên 8,8%, LPG duy trì mức cao 25,5%, PP duy trì mức 19,2%, FO tăng mạnh lên mức 31,8%.

5442-aynh-chuyp-mayn-hiynh-2022-04-05-105330
Nguồn: BSR, Khối nghiên cứu MBS.

Chi phí tài chính, bán hàng và quản lý cơ bản được kiểm soát tốt: Doanh thu tài chính tăng mạnh hơn Chi phí tài chính dẫn đến lợi nhuận tài chính đạt đạt 396 tỷ đồng. Trong năm, công ty tiếp tục trả bớt được 2.079 tỷ đồng nợ vay dài hạn và 140 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Nợ dài hạn đầu tư nhà máy lọc dầu đến cuối năm 2021 chỉ còn 2.829 tỷ đồng, trong đó số trả trong năm 2022 là 1.887 tỷ đồng, số trả trong năm 2023 là 942 tỷ đồng.

Lợi nhuận hoạt động kinh doanh năm 2021 có thể đã tốt hơn: Trong năm Công ty đã thực hiện thay đổi giảm thời gian phân bổ chi phí bảo dưỡng tổng thể lần 4 từ 36 tháng xuống còn 15 tháng, việc này làm chi phí phân bổ trong năm 2021 tăng thêm 913 tỷ đồng, đồng thời làm giảm kết quả kinh doanh tương ứng trong năm. Điều này cũng tác động tích cực đến kết quả kinh doanh năm 2022 khí không còn phải chịu khoản chi phí này.

Triển vọng năm 2022

Dự báo kết quả sản xuất kinh doanh 2022 tiếp tục tăng tốt với doanh thu và lợi nhuận tăng 20%: Sản lượng sản xuất và bán hàng dự báo đạt mức 6,55 triệu tấn trong năm 2022, với kịch bản giá dầu trung bình năm ở mức 90 usd/thùng (dầu Brent), doanh thu được dự báo có thể đạt 123.758 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.226 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 18% so với 2021.

Theo thông tin từ Lọc hóa Dầu Bình Sơn, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1/2022 rất khả quan, sản lượng sản xuất Q1/22 sơ bộ ước đạt 1,65 triệu tấn, sản lượng bán hàng đạt 1,60 triệu tấn.

Tổng doanh thu ước đạt 35.549 tỷ đồng, tăng 69% so với Q1/2021, thực hiện 39% KH năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.029 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 154% kế hoạch cả năm.

Gia tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh

Tình hình tài chính cơ bản ổn định, Tổng tài sản cuối năm 2021 đạt 66.796 tỷ đồng, tăng thêm 19,5% so với đầu năm. Tài sản dài hạn tiếp tục giảm dần và đạt 22.251 tỷ đồng (-14,1%), trong khi tài sản ngắn hạn tăng 48,5% lên 44.545 tỷ đồng khi công ty mở rộng hoạt động kinh doanh và giá dầu tăng.

Khoản phải thu và hàng tồn kho đến cuối năm 2021 đều tăng lên, lần lượt đạt 13.601 tỷ đồng (+74,1%) và 10.358 tỷ đồng (+23,5%). Mặc dù vậy có thể thấy nguyên nhân chính là do giá dầu tăng dẫn đến giá trị tăng trong khi sản lượng cơ bản ổn định. Đặc biệt, khoản tiền tương tiền và đầu tư tài chính tăng mạnh 49,3% lên 20,535 tỷ đồng.

Bên nguồn vốn, Nợ phải trả tăng 18% lên 29.232 tỷ đồng, chiếm 43,8% Tổng nguồn vốn. Trong khi Nợ phải trả tăng, Vay nợ tổ chức tín dụng lại giảm 17% xuống còn 10.772 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn chỉ còn 943 tỷ đồng. Dự kiến sẽ trả hết nợ vay dài hạn đầu tư nhà máy lọc dầu trong năm 2022-2023.

Vốn chủ sở hữu đạt 37.569 tỷ đồng, tăng 21% và chiếm 56,2% Tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu được bổ sung lớn từ nguồn lợi nhuận đạt được trong năm.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh được kiểm soát tốt

Dòng tiền hoạt động kinh doanh đạt 8.872 tỷ đồng trong năm 2021, cao hơn so với lợi nhuận đạt được, đảm bảo được chất lượng của lợi nhuận. Điều này cho thấy Lọc hóa Dầu Bình Sơn kiểm soát khá tốt dòng tiền hoạt động kinh doanh dù hoạt động kinh doanh trong năm được mở rộng, khoản phải thu, hàng tồn kho tăng lên nhưng cũng tranh thủ được nguồn vốn phi lãi suất tư nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Dòng tiền hoạt động đầu tư đạt -2.779 tỷ đồng, chủ yếu do gia tăng tiền gửi có kỳ hạn để gia tăng lợi nhuận tài chính, trong khi giá trị đầu tư tái sản cố định là 63 tỷ đồng.

Dòng tiền hoạt động tài chính đạt -2.640 tỷ đồng bao gồm giá trị thanh toán cổ tức đạt 502 tỷ và trả nợ vay ròng đạt 2.138 tỷ đồng.

Triển vọng thị trường 2022 lạc quan

Trong năm 2021 nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước đã tăng tốt trở lại trong 6 tháng đầu năm nhưng đã găp khó khăn trong quý 3 khi làn sóng dịch Covid19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, khiến nhiều tỉnh thành phải thực hiện phong tỏa, giãn cách. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước cả năm cơ bản không đổi.

Năm 2022, hoạt động kinh tế, sản xuất và thương mại đã và đang dần được mở cửa hoàn toàn trở lại, nhu cầu xăng dầu vì thế được dự báo tăng trưởng trở lại mức 6%-8%. Bên cạnh đó, hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hiện đang gặp khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước. Các yếu tố này cơ bản hỗ trợ hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2022.

Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2022 dự báo tăng 3,2% lên 100,6 triệu thùng/ngày từ mức 97,5 triệu thùng/ngày của năm 2021. Trong khi đó nguồn cung tiếp tục tăng chậm do nhóm OPEC+ kiểm soát nguồn cung và sản lượng khai thác dầu Mỹ cũng được dự báo tăng chậm. Đặc biệt xung đột Nga- Ukraine đang đẩy giá dầu tăng lên mức cao nhất từ 2008. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo sản lượng dầu của Nga sẽ giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày từ tháng 4/2022 nếu các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên dầu khí của Nga. Các yếu tố này đang làm giá dầu tăng mạnh trong những tháng đầu năm và dự báo neo cao trong cả năm 2022 mặc dù có thể giảm dần về cuối năm.

Biên lợi nhuận ngành lọc hóa dầu đã tăng tốt trở lại từ đầu năm 2021, đặc biệt tăng mạnh từ cuối năm 2021 và duy trì đến thời điểm hiện tại. Theo dự báo của các tổ chức nghiên cứu và tư vấn năng lượng thế giới, biên lơi nhuận ngành lọc hóa dầu tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng. Trong tháng 1/2022, biên lợi nhuận gộp Crack 2-1-1 là

10,26 usd/thùng, Platts dự báo trung bình cả năm là 12,07 usd/thùng, trong khi Wood Mackenzi dự báo là 11,04 usd/thùng, trong đó trung bình 6 tháng đầu năm (12,5) cao hơn và giảm dần về 6 tháng cuối năm (11,5)

Dự báo kết quả kinh doanh năm 2021

Trong năm 2022, Lọc hóa Dầu Bình Sơn đặt kế hoạch sản lượng sản xuất và bán hàng là 6,50 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó tập trung lớn vào dầu DO, xăng A95 và A92. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận dựa trên kịch bản giá dầu 60 usd/thùng lần lượt là 91.668 tỷ đồng và 1.371 tỷ đồng. Rõ ràng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận công ty đặt ra là khá thận trọng.

MSB dự báo, với năng lực sản xuất, tình hình thị trường tiêu thụ thuận lợi, sản lượng sản xuất và bán hàng của công ty có thế đạt mức 6,55 triệu tấn sản phẩm các loại. Với kịch bản giá dầu cơ sở trung bình của năm 2022 là 90 usd/thùng (dầu Brent), dự báo Doanh thu và Lợi nhuận trước thuế có thể đạt mức 123.758 tỷ đồng và 8.226 tỷ đồng, tăng 22% và 18% so với 2021.

MSB thực hiện xác định giá trị cổ phiếu của công ty, dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền công ty (FCFF) kết hợp PE, EV/EBITDA, giá trị cổ phiếu BSR đạt mức 27.200 đồng/cp.

Phó Tổng Giám đốc VPBank (VPB) thu về gần 1 tỷ đồng nhờ “bán chui” cổ phiếu?

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa công bố thông tin về kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ và ...

Cổ phiếu năng lượng lên đỉnh, vì sao "phù thủy" Warren Buffett vẫn gom mạnh?

Gần đây, Warren Buffett dường như từ bỏ phương châm đầu tư nối tiếng bấy lâu thiên về đặt yếu tố an toàn lên trên. ...

JPMorgan: Chứng khoán Việt Nam nằm trong top 3 thị trường triển vọng nhất Đông Nam Á

Thị trường chứng khoán Indonesia, Việt Nam và Singapore là ba lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư Goldman Sachs, JPMorgan giữa căng ...

Thiện Nhân

Tin liên quan