Dư nợ tín dụng bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ đồng sau tháng 3

Cập nhật: 09:32 | 23/04/2021 Theo dõi KTCK trên

Cập nhật mới nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ước tính cuối tháng 3/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 1,85 triệu tỷ đồng - tăng 3% so với tháng 12/2020. Theo đó, NHNN khẳng định, trong thời gian tới sẽ kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Tín dụng bất động sản: Đã đến lúc đáng lo?

Chiều 22/4/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo thông báo về hoạt động của ngành trong quý I/2021 và kỉ niệm 70 năm thành lập ngành ngân hàng.

Báo cáo về tình hình tín dụng trong quý này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết tính đến 28/2, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 1,83 triệu tỷ đồng - tăng 2,13% so với cuối năm 2020 cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế cùng thời điểm (0,67%), tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Tỷ trọng tín dụng bất động sản chiếm 19,83% trong tổng dư nợ nền kinh tế.

Trong cơ cấu cho vay bất động sản, dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh đạt 651.631 tỷ đồng - tăng 2,82% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 35,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản và chiếm tỷ trọng 7,04% tổng dư nợ đối với nền kinh tế .

Đáng chú ý, dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng bất động sản đạt 1,183 triệu tỷ đồng, tăng 1,75% so với cuối năm 2020, chiếm 64,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản, chiếm tỷ trọng 12,79% tổng dư nợ đối với nền kinh tế .

Cập nhật mới nhất, NHNN ước tính cuối tháng 3/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 1,85 triệu tỷ đồng - tăng 3% so với tháng 12/2020. Trong khi đó, quý I/2020 tăng 1,45%; quý I/2019 tăng 3,42%; quý I/2018 tăng 1,68%. Mức này, NHNN đánh giá cao hơn không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 2,93%.

NHNN khẳng định, trong thời gian tới sẽ kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Trước đó, tại cuộc họp với NHNN, Thủ tướng cũng chỉ đạo NHNN cần phải kiểm soát chặt tín dụng, tránh để tình trạng đầu cơ, thổi giá trục lợi trong lĩnh vực này.

Theo ghi nhận thời gian vừa qua, nhu cầu gia tăng chóng mặt tại các phân khúc biệt thự, nhà liền kề, đất thổ cư, đất đấu giá và dịch vụ... đã tạo ra hiện tượng mua sốt đất. Việc giao dịch đất nền vẫn diễn ra sôi động, nhiều khu vực giá bị đẩy lên tới mức "ảo" bất chấp các cảnh báo về tính pháp lý.

Trước cơn sốt đất toàn quốc từ đầu năm 2021, theo các chuyên gia, bên cạnh việc siết tín dụng bất động sản, các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra chế tài chặt chẽ để kiểm soát thị trường, đảm bảo sự công khai minh bạch trong ngành bất động sản.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội nhận định, việc siết tín dụng có thể được xem là một giải pháp để kiểm soát tình trạng đầu cơ lướt sóng.

Theo phân tích của bà Hằng, khi nền kinh tế Việt Nam đang đạt tăng trưởng dương, các biện pháp đưa ra sẽ cần được xem xét cẩn thận bởi khi được áp dụng trên diện rộng, chúng chắc chắn tạo ra hiệu ứng với độ trễ nhất định.

Hiện các dự án được hỗ trợ tín dụng của ngân hàng thường là nhóm dự án đã có nguồn hàng nhất định.

Tại Hà Nội, các chỉ số về kinh tế hiện nay vẫn ở ngưỡng an toàn. Trong điều kiện hiện nay, các biện pháp vẫn cần đi từ cấp độ cảnh báo cho đến ngăn chặn hẳn sốt đất, nhằm hướng đến mục tiêu thị trường bền vững, ổn định. Đây sẽ là quyết định không chỉ tác động riêng tới lĩnh vực bất động sản mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Do đó, trong nỗ lực kiểm soát sốt đất, cơ quan chức năng có thể cân nhắc thêm tới một số yếu tố.

Trước tiên là việc công bố đầy đủ chi tiết quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng, cập nhật cụ thể tới người dân; giúp họ nắm được chính xác những khu vực nào chịu ảnh hưởng từ những quyết định của Nhà nước.

Cùng đó, đưa ra các chế tài chặt chẽ để kiểm soát thị trường và đảm bảo sự công khai minh bạch trong ngành bất động sản. Cụ thể như cần kiểm soát chặt chẽ điều kiện pháp lý khi các chủ đầu tư tung bán sản phẩm ra thị trường; các điều kiện pháp lý bắt buộc phải hoàn thành; đảm bảo sản phẩm và thông tin đúng như cam kết.

Thị trường Việt Nam đang tồn tại vấn đề liên quan đến các cá nhân môi giới bất động sản không có bằng cấp, chứng chỉ hợp lệ và việc họ tự ý đẩy giá lên, làm ảnh hưởng đến giá đất thật sự của thị trường đang diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, hệ thống lưu trữ thông tin thiết thực như các giao dịch trên thị trường vẫn chưa đồng bộ.

Mặc dù giá mua bán vẫn được ghi nhận nhưng những con số này không thực sự phản ánh giá giao dịch thực giữa người mua và người bán - bà Hằng phân tích.

Dưới một góc nhìn khác, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills nhận định, trên thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các loại giấy tờ. Vì vậy, thời gian tới rất cần vận dụng hoạt động chuyển đổi số nhằm "số hóa" các giấy tờ vào một hệ thống quản lý chung mang tính quốc gia. Tuy nhiên, việc này sẽ đòi hỏi tầm nhìn dài hạn.

Khi có được một hệ thống dữ liệu ở tầm quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích; trong đó, có việc kiểm soát các môi giới cố tình tung tin đồn và đẩy giá đất lên cao. Ông Matthew Powell cũng dẫn chứng, ở một số nước, các môi giới phải được cấp bằng để hoạt động trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, thị trường cũng cần được đảm bảo ổn định về cung - cầu. Do đó, các chính sách cũng cần làm rõ việc bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư, song song với việc đảm bảo tránh lạm phát và kiểm duyệt giá nhà đất. Như vậy, với hoạt động thẩm định giá đất thì những người đảm nhậm việc định giá đất cũng nên có bằng cấp nhất định hoặc có kinh nghiệm.

Sửa đổi thông tư 01, ngân hàng có "dễ thở" hơn?

Theo Thông tư sửa đổi, các ngân hàng có thể mở rộng phạm vi các khoản nợ được tái cơ cấu và có cơ sở ...

Hóa giải nỗi lo tăng lãi suất

Nếu các chỉ số GDP, CPI diễn biến tích cực, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ tiếp tục giảm lãi ...

Tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN sẽ tiếp tục giảm cả lãi suất huy động lẫn cho vay đồng thời tiếp ...

Quốc Trung