Doanh nghiệp dệt may kinh doanh ra sao sau 2 quý đầu năm?

Cập nhật: 13:29 | 10/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Với điều kiện thuận lợi chung của toàn ngành, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2021.

Lịch chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền của 7 doanh nghiệp: D2D, KSV, FT1, DFC, CKV, CKD, GHC

Lộ diện "quán quân" doanh thu quý II: Không phải các ông lớn ngân hàng, thép, bất động sản

2734-dyt-may-1
Doanh nghiệp dệt may kinh doanh ra sao sau 2 quý đầu năm?. (Ảnh minh họa)

Từ đầu năm 2021 tới nay, tình hình xuất khẩu dệt may ghi nhận nhiều khởi sắc. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 7/2021 xuất khẩu nhóm hàng dệt may tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 17 tỷ USD, chiếm gần 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước.

Nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc… đã tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát thông qua hoạt động tiêm vắc xin rộng rãi, kinh tế dần phục hồi, dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Với điều kiện thuận lợi chung của toàn ngành, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong những tháng đầu năm.

Điển hình như Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) ghi nhận doanh thu thuần quý II/2021 đạt gần 3.708 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế hơn 193 tỷ đồng, gấp gần 9,2 lần quý II năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù doanh thu chỉ tăng nhẹ, đạt hơn 7.000 tỷ đồng, hiệu quả kinh doanh được cải thiện khi lợi nhuận gộp tăng gấp rưỡi lên 949 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 292 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 32% so với bán niên năm 2019, năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Theo Vinatex sau hai năm liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm giá bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành sợi đã có nhiều chuyển biến tích cực, cầu và giá bán cùng tăng cao. Ngành may hầu hết doanh nghiệp thuộc Tập đoàn cũng đã đủ đơn hàng đến hết tháng 9 và một phần đến tháng 12.

Năm 2021, Vinatex đặt kế hoạch đem về 17.365 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lãi trước thuế. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, Vinatex đã thực hiện được 41% mục tiêu doanh thu và 89% mục tiêu lãi trước thuế.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) cũng có kết quả tích cực khi doanh thu thuần quý II đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế là 61 tỷ đồng, tăng 90% so với quý II/2020.

Theo giải trình của TNG, ngay từ đầu năm công ty đã định hướng việc tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB chủ đạo cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam cũng như xác định được rõ dòng hàng mục tiêu.

Do vậy, TNG tập trung vào các dòng sản phẩm kỹ thuật, dòng sản phẩm cao cấp hơn cùng với việc áp dụng các giải pháp quản trị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, cơ cấu doanh thu hàng FOB tăng giúp tổng doanh thu tăng so với cùng kỳ. Cùng với đó, các khoản chi phí được tiết giảm triệt để đã giúp lãi ròng tăng so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của TNG đạt 2.371 tỷ đồng, tăng 29% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 83 tỷ đồng, tăng 30%.

Năm nay, TNG dự kiến đạt 4.798 tỷ đồng doanh thu và 175 tỷ đồng lãi sau thuế, như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện 49,4% kế hoạch doanh thu và 48% mục tiêu lãi sau thuế sau 6 tháng đầu năm.

Với CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Mã: TCM), doanh thu nửa đầu năm tăng trưởng 11% lên 1.924 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 121 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ.

Giai đoạn này TCM không có đơn hàng PPE (khẩu trang và đồ bảo hộ) nên doanh thu mảng may mặc giảm nhẹ, bù lại sự phục hồi của các đơn hàng truyền thống và mảng vải sợi cải thiện nên doanh thu vẫn tăng 11% so với cùng kỳ.

Ban lãnh đạo TCM cho biết nhờ có chuỗi cung ứng sợi – dệt – nhuộm – may khép kín tạo lợi thế giúp doanh nghiệp tự chủ nguồn cung nguyên liệu vải và ổn định biên lợi nhuận, khắc phục “điểm nghẽn” của ngành dệt may, tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng khép kín cũng tạo điều kiện thuận lợi cho TCM đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ và được hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA nhiều hơn so với những doanh nghiệp cùng ngành.

Năm nay, công ty lên kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu đạt 4.218 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, TCM đã đạt 45,6% kế hoạch doanh thu và 41,7% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Hay như Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) báo doanh thu thuần quý II/2021 đạt 510 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 56,48% doanh thu đến từ mảng sợi tái chế.

Biên lợi nhuận gộp được duy trì ở mức gần 20%. Lợi nhuận sau thuế trong quý II/2021 là 70 tỷ đồng, tăng 25 lần so với cùng kỳ.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, trong quý II/2021, nhờ sự hồi phục của các thị trường xuất khẩu dệt may chính như Mỹ, EU cũng như sự thích nghi của công ty với bối cảnh thị trường, doanh số bán và giá bán được cải thiện hơn so với quý II/2020.

Mặt khác, doanh thu bán hàng Recycle (tái chế) tăng hơn so với cùng kỳ làm cho biên độ lợi nhuận cao và vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm.

Lũy kế nửa đầu năm 2021, doanh thu Sợi Thế Kỷ đạt 1.077 tỷ đồng, lãi sau thuế 140 tỷ đồng; tăng lần lượt 24% và 154% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2021, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu đạt 2.358 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 248 tỷ đồng. Như vậy kết thúc nửa đầu năm Sợi Thế Kỷ đã hoàn thành 46% mục tiêu về doanh thu và gần 57% mục tiêu về lợi nhuận.

Hoàng Hà