Bộ Công Thương lên tiếng thông tin Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế với hàng Việt Nam

Cập nhật: 09:40 | 22/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Dẫn tin của Reuters, Bộ Công Thương vừa cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ chuẩn bị tiếp tục áp thuế lên hàng hóa của Việt Nam từ tháng 12 này dựa trên cáo buộc Việt Nam định giá thấp tiền đồng.

3803-ah
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Liên quan đến diễn biến này, Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định, Việt Nam lấy làm tiếc trước quyết định ngày 2/10/2020 của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) khởi xướng điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 đối với vấn đề tiền tệ và gỗ của Việt Nam vào thời điểm mà mối quan hệ hợp tác ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại hai bên đang diễn ra hết sức tốt đẹp.

Ngay khi USTR quyết định khởi xướng điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cập nhật tình hình và kiến nghị phương án tổng thể xử lý vụ việc.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thông báo với phía Hoa Kỳ việc sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ trong quá trình điều tra và thành lập các nhóm công tác để làm việc với các đối tác liên quan của Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, Nhóm công tác do Ngân hàng Nhà nước chủ trì dự kiến sẽ tiến hành tham vấn song phương với phía Hoa Kỳ vào cuối tháng 12/2020 theo thống nhất của hai bên. Vào thời điểm này, việc tăng cường đối thoại giữa hai bên là hết sức quan trọng.

Vì vậy, Việt Nam mong muốn phía Hoa Kỳ sẽ khách quan trong quá trình điều tra về chính sách và thực tiễn quản lý của Việt Nam, tránh để ảnh hưởng lớn đến tổng thể mối quan hệ, các nỗ lực hợp tác của hai bên, cũng như doanh nghiệp hai nước.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian vừa qua, rất nhiều hiệp hội, các tổ chức, các doanh nghiệp, các cá nhân có uy tín trong chính giới, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc điều tra và mọi ý định áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam nếu có vì điều này hoàn toàn đi ngược lợi ích của quốc gia, doanh nghiệp và người dân hai nước.

"Trong trường hợp USTR đơn phương đẩy nhanh tiến trình áp đặt trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động trao đổi thương mại nói riêng và tổng thể quan hệ song phương giữa hai nước nói chung", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bộ Công Thương lưu ý, những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất sẽ chính là cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng của cả hai nước.

Từ phía Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ không còn yên tâm khi làm ăn với các doanh nghiệp Hoa Kỳ từ đó có thể dẫn tới giảm nhập khẩu các nguyên vật liệu và công nghệ đầu vào từ Hoa Kỳ, làm đảo ngược xu thế tăng trưởng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vốn đang trở nên rất mạnh mẽ trong vài năm gần đây.

Trước đó, ngày 16/12, Bộ Tài chính Hòa Kỳ đã xác định Việt Nam và Thụy Sỹ là những quốc gia thao túng tiền tệ cùng với 10 quốc gia thuộc diện theo dõi với cáo buộc rằng Việt Nam hội đủ 3 tiêu chí về thao túng tiền tệ bao gồm: Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và mua ròng ngoại tệ. Đây là lần đầu tiên, Hoa Kỳ gắn mác “thao túng tiền tệ” đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho rằng cáo buộc trên của Bộ Tài chính Hoa Kỳ là một việc làm mang tính chủ quan, chưa nhìn nhận đa chiều và chưa xét đến đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam cũng như những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế.

Đánh giá mang tính chủ quan, không đa chiều

Tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả cho rằng, việc gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ là một việc làm mang tính chủ quan, đơn phương từ phía Bộ Tài chính Hoa Kỳ, chưa nhìn nhận đa chiều và chưa xét đến đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam cũng như những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế (như Ngân hàng Thế giới - WB, Quỹ tiền tệ Quốc tế - IMF) đối với Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển nhanh, độ mở cao và cần thiết phải có các công cụ (phù hợp thông lệ quốc tế) cho phát triển kinh tế bền vững, an toàn, có khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.

TS. Cấn Văn Lực: Nên tiếp cận thận trọng việc mở room ngân hàng
Tiến sỹ Cấn Văn Lực

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả, việc điều hành tỷ giá những năm qua của Ngân hàng Nhà nước trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Kể từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cơ chế điều hành tỷ giá theo biến động của rổ tiền tệ các nước có quan hệ kinh tế lớn với Việt Nam. Chính sách điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt cùng với chính sách tài khóa thận trọng (kiểm soát nợ cộng và thâm hụt ngân sách) đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020.

“Trái với nhận định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thực tế trong 3 năm (2017 - 2019), giá trị thực của VND theo tính toán của chúng tôi tăng khoảng 2,6%. Theo đó, cán cân thương mại của Việt Nam với Mỹ có thể bị tác động tiêu cực do đồng VND tăng giá so với USD trong 3 năm 2017 - 2019 chứ không hẳn là tạo lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam. Vì vậy, việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ khẳng định đồng VND bị định giá thấp có tạo ra lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam cần phải được xem xét kỹ lưỡng và chính xác hơn,” Tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm tác giảphân tích.

Thứ hai, thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của rất nhiều yếu tố liên quan tới đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. VND giảm giá không hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu (từ đó hỗ trợ cán cân thương mại thặng dư) do đặc thù cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Đó là xuất khẩu nhiều thì cũng đồng nghĩa với nhập khẩu nhiều. Điều này là do hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam do khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI) chi phối. Khối này chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu, 59% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2019.

Theo đó, để sản xuất hàng xuất khẩu, do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu, nên khối doanh nghiệp FDI vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào cho dù tỷ giá VND được điều chỉnh tăng hay giảm.

Thứ ba, việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối (vốn ở mức thấp) so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, chứ không phải là tạo lợi thế thương mại.

Theo IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cuối năm 2019 chỉ ở mức tương đương 3,5 tháng nhập khẩu (cao hơn một chút so với mức khuyến nghị tối thiểu 3 tháng nhập khẩu của IMF), thấp hơn nhiều so với mức 5 tháng nhập khẩu của Singapore, 8 tháng của Philippines, Hàn Quốc hay 9 tháng của Thái Lan và 14 tháng của Trung Quốc.

Cũng theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả, một số tổ chức quốc tế uy tín, trong đó có Viện Nghiên cứu kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE, hay còn gọi là Viện Peterson) thường xuyên nghiên cứu về vấn đề cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ với các nước. Ngày 16/12, Viện Peterson đã nhận định rằng cáo buộc từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ rằng Việt Nam thao túng tiền tệ là chưa thỏa đáng và không phù hợp với điều kiện của Việt Nam đồng thời nhấn mạnh rằng Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã có những sai sót khi đưa ra các tiêu chí để xác định một nền kinh tế là thao túng tiền tệ.

Theo đó, Viện Peterson nhận định: Các quốc gia có nhu cầu hợp pháp về một lượng dự trữ ngoại hối vừa phải để chống chịu với các cú sốc bất ngờ. Trong số 2 quốc gia bị gắn mác thao túng tiền tệ và 10 quốc gia bị đưa vào danh sách theo dõi, tất cả các nước đều vượt tiêu chí dự trữ ngoại hối với biên độ rộng, trừ Việt Nam; việc sử dụng tiêu chí có thặng dư cán cân thương mại song phương với Hoa Kỳ như là tiêu chí chính để xác định một nền kinh tế là thao túng tiền tệ là không có cơ sở trong kinh tế học, nhất là trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, các nền kinh tế tham gia sâu và đa dạng trong các chuỗi giá trị toàn cầu (thí dụ, theo Viện Peterson, Singapore nhập khẩu nhiều từ Hoa Kỳ khiến Hoa Kỳ có thặng dư thương mại với Singapore, nhưng thực tế là hàng hóa nhập khẩu này lại được xuất đi Trung Quốc và các nước châu Á khác, làm nguyên liệu đầu vào cho hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Như vậy là Singapore đóng góp đáng kể vào thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với các nước khác).

Ngoài ra, Viện Peterson cũng cho rằng sẽ hợp lý hơn khi chỉ xem xét việc thao túng tiền tệ đối với các quốc gia có thu nhập cao hoặc thu nhập trung bình cao; trong khi đó Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp nên không phù hợp để đánh giá thao túng tiền tệ.

“Qua các vụ việc liên quan đến thao túng tiền tệ mà Hoa Kỳ cáo buộc các nước, có thể thấy rằng, các tiêu chí đánh giá thao túng tiền tệ mà Hoa Kỳ áp dụng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các đối tác thương mại, sự thừa nhận từ các tổ chức quốc tế và cộng đồng chuyên gia cũng như các Viện Nghiên cứu uy tín trên thế giới,” Tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả nhấn mạnh.

Gợi ý chính sách cho Việt Nam

Theo Đạo luật xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ đệ trình báo cáo lên quốc hội Hoa Kỳ, tiến hành các cuộc thương lượng giữa cơ quan chức năng hai bên (Việt Nam và Hoa Kỳ) để thống nhất và thực hiện các giải pháp chung nhằm cân bằng hơn cán cân thương mại và một số yêu sách cụ thể khác.

Nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung, phía Hoa Kỳ mới có thể tìm đến các biện pháp cứng rắn hơn.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả cho rằng khả năng này khó xảy ra trong ngắn hạn nhưng Việt Nam cũng không thể chủ quan mà cần có kịch bản ứng phó.

Trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới, cấu trúc thương mại toàn cầu còn nhiều bất định, việc bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ chính thức đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ sẽ có những tác động bất lợi nhất định tới quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như tới nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, Tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV đề xuất 5 giải pháp cơ bản.

Một là, các cơ quan chức năng Việt Nam cần bình tĩnh, thận trọng, phối hợp tốt, chủ động và tích cực trao đổi thông tin với phía Hoa Kỳ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng và sẽ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ do vấn đề cốt lõi mà Hoa Kỳ quan tâm là vấn đề giảm thâm hụt thương mại với các nước (trong đó có Việt Nam) hơn chỉ là vấn đề tiền tệ thuần túy. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Hoa Kỳ, đặc biệt là nông sản, sản phẩm năng lượng, vận tải, máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị y tế, vaccine phòng chống COVID-19...

Ba là, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường, quyết liệt, phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lợi dụng những ưu đãi từ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ và các Hiệp định FTA khác cũng như hành vi trốn thuế.

Bốn là, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ, giải quyết hiệu quả các vấn đề khác mà phía Hoa Kỳ quan tâm (như sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, thanh toán điện tử…).

Cuối cùng, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra nhằm có giải pháp chủ động, linh hoạt và kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực cũng như duy trì mối quan hệ kinh tế - thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ.

Ngành bán lẻ và cổ phiếu tiềm năng năm 2021

"Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng ngành bán lẻ sẽ có nhịp bật trong năm 2021 nhờ vào niềm tin tiêu dùng hồi ...

Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, giao UBND tỉnh Thái Bình lập Hồ sơ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu ...

Thống đốc NHNN: Sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cẩn trọng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng mới đây đã có buổi gặp mặt cuối năm với các định chế tài chính ...

Quốc Trung

Tin cũ hơn
Xem thêm